Bảo tồn nhà rường, nhà vườn cổ khẳng định giá trị di sản Huế
Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã thông qua nghị quyết về đề án “Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ”.
Nghị quyết mới lần này, xác định tổng mức kinh phí dành cho hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ là 45,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 28,3 tỷ đồng, ngân sách huyện 12,1 tỷ đồng cùng nguồn xã hội hóa 4,8 tỷ đồng.
Đề án lần này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022- 2026, tập trung thực hiện 5 nhóm chính sách, gồm: Hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ tổ chức kinh doanh, khai thác, phát triển dịch vụ du lịch tại nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ quy hoạch xây dựng và đầu tư hạ tầng; hỗ trợ tài chính tín dụng; hỗ trợ quản lý, bảo vệ.
Mức hỗ trợ của các nhóm chính sách nói trên sẽ tăng khoảng 30% so với mức hỗ trợ của Nghị quyết 02 trước đó. Cụ thể, nhà vườn Huế đặc trưng loại 1 sẽ được hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng/nhà để trùng tu, bảo tồn; nhà vườn loại 2 được hỗ trợ 800 triệu đồng/nhà và loại 3 là 600 triệu đồng/nhà.
Ngoài ra, việc hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà sẽ không quá mức 50 triệu đồng/nhà.
Nghị quyết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn đặc trưng ở các phường Thủy Biều, Kim Long của TP.Huế, ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) và mở rộng đối với các nhà rường cổ ở Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP.Huế).
Việc trùng tu các nhà rường không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch. Sau khi các nhà cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, nhiều công ty lữ hành, du lịch đã đặt vấn đề về việc xây dựng mô hình homestay. Làng cổ Phước Tích là điểm khám phá văn hóa làng quê Việt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Theo UBND tỉnh, thông qua chính sách nhà rường, nhà vườn Huế đã được khẳng định về giá trị văn hóa, lịch sử và cần được bảo tồn và phát huy như một giá trị khác biệt của văn hóa Huế.
Tuy nhiên, trải qua thời gian thực hiện, đề án này cũng vấp phải một số trở ngại. Có thể kể đến như vướng mắc liên quan đến sở hữu, thừa kế hay không đủ kinh phí đối ứng để nhận hỗ trợ, đặc biệt việc tham gia đề án ở làng Phước Tích thì dân số ở làng chủ yếu là người cao tuổi, thiếu lao động trẻ dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa tốt.
Phan Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
2 tháng, PVI nhận liên tiếp 2 án phạt của của Cục Thuế Hà Nội
-
Nhóm tác giả trường Đại học Y Dược Huế đạt giải thưởng Hồ Chí Minh
-
Huế: 30 dự án vào bán kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022
-
Flamingo Holding được chấp thuận cho thuê đất làm dự án Flamingo Linh Trường Khu B quy mô hơn 1.500 tỷ