SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bảo tồn lim xanh ở Thanh Hóa, một việc làm cấp thiết

14:52, 11/09/2019
Sử sách đã từng ca ngợi về rừng tỉnh Thanh một thời “nên thơ”. Thuở ấy, rừng vào đến tận chân cầu thang nhà sàn, cây cao phải ngửa cổ mới nhìn tận ngọn, cây to hai ba người ôm mới xuể. Trong số các loài gỗ quý hiếm phải kể đến lim xanh, giống cây bản địa phân bố tự nhiên.

 Lim xanh ở rừng Như Xuân, Thanh Hóa, với diện tích được coi là lớn nhất tỉnh, nhiều khu rừng lim gần như thuần loại, đặc biệt ở xã Yên Cát, Xuân Khang, Cát Vân, Yên Thái... Ngoài ra, lim xanh còn phân bố ở huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thạch Thành và một số địa phương khác thuộc tỉnh Thanh Hóa.

lim xanh xu thanh

 

Lim xanh nằm trong nhóm gỗ “tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), có tên khoa học là Erythrophloeum fordii oliv thuộc họ vang. Cây lim thành thục có đường kính khá lớn, bình quân 1,5m, chiều cao có thể lên tới 15m, được dùng phổ biến trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, đóng đồ gia dụng, khả năng chịu lực lớn, độ bền cao, được nhiều người ưa chuộng. Thời Pháp thuộc lim xanh còn được trồng ở một vài nơi, như Mục Sơn (huyện Thọ Xuân), phố Vạc, làng Phâng xã Cẩm Thành, làng Đàn xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy), Thiết ống (huyện Bá Thước). Sau kháng chiến chống Pháp, năm 1956 Thanh Hóa được Chính phủ giao khai thác gỗ lim và gỗ hồng sắc để xẻ tà vẹt khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam, tỉnh đã thành lập 5 cơ sở khai thác và xẻ gỗ ở Đồng Mưa (Như Xuân), Tân Thành (Thường Xuân), Hồ Điền (Bá Thước), Năng Cát (Lang Chánh) và đã cung cấp hàng vạn thanh tà vẹt, hàng chục vạn mét khối gỗ tròn. Do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm liên tục, khai thác không gắn với tái sinh, nên trong khoảng 30 năm, các khu rừng lim Như Xuân đã bị khai thác tới cạn kiệt, gần như tuyệt chủng. Đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tất cả các khu rừng lim của huyện Như Xuân cơ bản bị xóa sổ, chỉ còn lại rất ít những cây lim xa dân, xa đường ô tô, nơi địa hình quá phức tạp, không thể vận chuyển được. Hiện tại Vườn quốc gia Bến En diện tích cây lim xanh còn lại rất ít ở Điện Ngọc, trong đó có một cây lớn nhất đường kính hơn 2m, số còn lại chủ yếu là cây tái sinh. Các khu rừng lim trồng ở Phố Vạc (Cẩm Thủy), Mục Sơn (Thọ Xuân), Thiết ống (Bá Thước)... nay cũng chỉ còn lại trong dĩ vãng.

Điều may mắn là sau hàng chục năm khai thác bừa bãi và nạn lâm tặc hoành hành, hiện ở Thanh Hóa vẫn còn giữ lại được một số khu rừng lim, đáng kể nhất là rừng lim ở làng Phâng Khánh, (xã Cẩm Thành) khoảng 12ha, làng Đàn (xã Cẩm Tú) khoảng 25ha, và rừng lim tự nhiên hỗn giao với cây sến 69ha. Rừng sến hỗn giao với lim 145ha và lim thuần loại 12ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tam Quy, huyện Hà Trung và một số cây riêng lẻ tại Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, do Trạm nghiên cứu Lâm nghiệp Thanh Hóa trồng vào cuối những năm 60 của thế kỷ 20. Tuy số lượng ít, nhưng đây là một tài sản quý, là dấu ấn của tự nhiên ban tặng cho rừng Thanh Hóa, không những là nguồn gien quý báu của một loài cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa lâu dài để lưu truyền cho muôn đời sau.

Từ một tỉnh giàu về gỗ lim, nay còn số lượng cây và diện tích không đáng kể. Nếu không được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt thì nguy tuyệt chủng hoàn toàn loài cây lim xanh ở tỉnh Thanh Hóa là khó tránh khỏi. Vì vậy, bảo tồn và phát triển nguồn gien lim xanh là việc làm cần thiết, vì mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới cần tổ chức điều tra, thống kê lại toàn bộ những rừng lim, cây lim hiện còn, trên cơ sở đó xác định lại tuổi rừng, tuổi cây, mật độ, tình hình tái sinh tự nhiên, tình hình sâu bệnh, xác định những cây có khả năng làm giống... từ đó có kế hoạch quản lý, bảo vệ một cách nghiêm ngặt đối với các khu rừng lim và cây lim. Đưa vào quy hoạch rừng giống các khu rừng lim làng Phâng, làng Đàn, huyện Cẩm Thủy, Tam Quy, huyện Hà Trung... Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn, lưu trữ nguồn gien lim xanh ở những địa phương còn lim phân bố. Đồng thời với việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân và nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp về sự cần thiết phải bảo tồn và phát triển giống lim xanh. Cần đưa lim xanh vào cơ cấu giống của chương trình trồng rừng 661 với quy mô hợp lý trên những vùng đất thích hợp về mặt sinh thái, đặc biệt là ở vùng Như Xuân, Như Thanh và một số nơi khác mà cây lim xanh đã từng phân bố, để trong thời gian không xa Thanh Hóa lại có những khu rừng lim xứng tầm như xưa.

Theo kiemlam.org.vn

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 7 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 7 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.