Bảo hộ nhãn hiệu nấm hương Sa Pa: Thúc đẩy phát triển nông sản địa phương
Sapa không chỉ là vùng đất nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực tinh tế và độc đáo, hấp dẫn. Vùng đất này được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều các loại đặc sản của núi rừng, ngoài lợn mán, măng, măng đắng, cá suối, táo mèo cũng không thể không nhắc đến nấm hương Sapa nhờ vị thơm ngon và bổ dưỡng sẵn sàng chinh phục mọi thực khách khó tính. Không quá khi nói rằng Sa Pa là xứ sở của nấm hương được cất giấu trong những cánh rừng đại ngàn trên núi cao.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND thị xã Sa Pa tổ chức Lễ công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nấm hương Sa Pa và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho UBND thị xã Sa Pa.
Nhãn hiệu chứng nhận nấm hương Sa Pa gồm 2 sản phẩm là nấm tươi và nấm sấy khô. Việc công nhận này giúp thị xã Sa Pa thuận lợi hơn trong quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho người trồng nấm.
UBND thị xã Sa Pa cũng đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu nấm hương Sa Pa cho Công ty TNHH Hà Lâm Phong - đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng nấm hương Sa Pa từ năm 2019. Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 800 tấn nấm hương thương phẩm. Ngoài sản phẩm nấm khô xuất khẩu thì với việc sở hữu nhãn hiệu nấm hương Sa Pa, đơn vị sẽ tập trung khai thác thị trường nội tiêu nhằm thúc đẩy phát triển liên kết với người dân địa phương trong việc trồng nấm cao cấp.
Thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Thời gian qua, nhiều nông sản đã được chú trọng trong việc bảo hộ nhãn hiệu. Mới đây, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đã trao quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm sâm Lai Châu.
Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. sâm Lai Châu thuộc họ Nhân sâm, chi Panax, phân bố ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mặt nước biển, phù hợp với địa hình khí hậu phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%. Đặc biệt, sâm Lai Châu có Majonosid - R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu.
Qua rà soát, đánh giá Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt sâm Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sin Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Thanh Tú