Báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững
Phát biểu tại tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới đều cho rằng chuyển đổi số là xu hướng không thể thay đổi. Trong đó, đặc thù của báo chí là cung cấp thông tin chất lượng, hiệu quả thì càng phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Việc chuyển đổi số sẽ thay đổi hiệu quả, toàn diện các cơ quan báo chí.
Đặc biệt, TP.HCM từng có giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách kéo dài nhất trong lịch sử khiến việc tác nghiệp báo chí gặp trở ngại, cơ quan báo chí gặp khó khăn. Tuy vậy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định khó khăn là thời cơ để các cơ quan báo chí nắm bắt công nghệ bứt phá. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí và phóng viên đã nhận rõ được vai trò của công nghệ và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Theo ông, chuyển đổi số không đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin mà còn thay đổi quy trình làm việc, thay đổi tư duy và cần có quyết tâm thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ông Đức nhận định việc chuyển đổi số không chỉ giúp tăng tốc độ xuất bản mà còn giúp các tòa soạn đánh giá, kiểm soát thông tin đối với nội dung xuất bản; đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, đừng để thành người đi sau, đi chậm.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động. Có thể thấy, một số cơ quan báo chí đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ Web, Facebook đến Tiktok, YouTube, giúp nhiều tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh tăng mạnh tính tương tác với độc giả. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
Tuy nhiên ông nhìn nhận tiến trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí hiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, mà trước hết là về nhận thức và năng lực thực hiện. Một bộ phận không nhỏ những người làm báo vẫn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngại thay đổi. Ông Dũng cho biết chuyển đổi số để phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhìn nhận quá trình chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến phóng viên; không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung mà thậm chí là toàn bộ hoạt động của một tòa soạn, kể cả hoạt động quản trị, kinh doanh… đều phải đi theo hướng chuyển đổi số thì mới gọi là quy trình chuyển đổi số thực sự.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy: Nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới
-
Loạt dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng sắp khởi công
-
'Nóng': Chính thức khai tử dự án Trung tâm phân phối và mua sắm Hà Nội
-
WHO: Hồ sơ bộ sản phẩm test PCR của Công ty Việt Á đã được đánh giá nhưng không đạt yêu cầu