SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Bánh phồng tôm Sa Giang - Hương vị xuân xưa

07:43, 24/01/2020
(SHTT) - Tận dụng những lợi thế có sẵn từ thiên nhiên Đồng Tháp ban tặng, người dân Sa Giang đã tạo nên loại bánh phồng tôm trứ danh, nức tiếng khắp cả nước. Bánh phồng tôm Sa Giang cũng đã đi cùng với mình suốt một thời thiếu nữ với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Bánh phồng tôm Sa Giang được làm từ nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng, đó là các loại tôm, tép nước ngọt như: tôm tích, tép mòng, tép ròng... qua bàn tay chế biến khéo léo đã mang lại hương vị đặc trưng của bánh phồng tôm Sa Giang.

3

 Phải đảm bảo nhồi bột từ 15 phút trở lên để bột và tôm quyện vào nhau.  

Để làm ra loại bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang, người ta phải trộn bột gạo, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi dạng hình ống dài. Sau đó hấp chín và cắt ra từng lát tròn khi sấy khô…

Nếu ai đó đã từng được ăn bánh phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp hẳn sẽ không quên hương vị và sức hấp dẫn từ loại bánh này. Bánh không bị cứng, dai mà có độ giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, vị ngọt bùi của bột gạo Sa Đéc và cay cay của vị tiêu.

Rất nhiều người khi lên Sài Gòn hoặc đến Đồng Tháp du lịch, công tác, khi trở về đều chọn cho mình sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang làm quà cho người thân, bạn bè.

2

 

Một hôm, mẹ đi Sài Gòn có việc, mua theo về 10 hộp bánh phồng tôm Sa Giang. Tụi mình mừng rỡ tưởng có bánh ăn tết, dè đâu sáng hôm sau mẹ mang vô cơ quan rồi mang giỏ không về, mẹ đã bán hết sạch mấy hộp bánh cho mọi người. Hôm sau, mẹ mình vay mượn đâu được ít tiền giao cho mình, bảo: “Con lên Sài Gòn mua bánh phồng tôm Sa Giang về cho mẹ bán kiếm tiền ăn tết”

Hoảng sợ thực sự, 18 tuổi, nhà quê “hai lúa” chưa một lần xa nhà, mình chưa biết Sài Gòn là ở đâu nữa. Mẹ nghiêm khắc bảo:

- Đi đi, đường đi ở trong miệng mình chứ đâu !!!

Không dám cãi lời, mình và thằng em út mới 5 tuổi còn học mẫu giáo, hai chị em cắp giỏ đi Sài Gòn. Lên xe đò, từ Trà Vinh lên Sài Gòn, mình say xe ói cả ra mật xanh mật vàng. Xuống Bến xe Miền Tây, lại ói một chặp trên xe bus vào chợ Bến Thành- tơi tả. Hai chị em lếch thếch mang giỏ vào cửa hàng “mậu dịch” mua bánh Sa Giang. Thế nhưng ở đây họ chỉ bán cho mỗi người mỗi lần 5 hộp. Mình mua 5 hộp xong đi ra, thằng Top em mình vào mua 5 hộp, xong mình lại vào mua, cứ thế, mỗi đứa mua được 15 hộp thì bị phát hiện, họ đuổi cả hai chị em ra ngoài không bán cho nữa.

Mình xách giỏ bánh phồng tôm Sa Giang ra bùng binh giữa chợ ngồi, đưa tiền cho Top vào cửa hàng mua tiếp. Top mới 5 tuổi, đứng thấp chủn phía dưới quầy nên các bà mậu dịch viên không nhìn thấy. Hai mươi đồng một hộp bánh, thấy ai vào cửa hàng, Top đưa 100 đồng, năn nỉ:

-Cô, (chú, bác) mua dùm con 5 hộp bánh Sa Giang.

Cứ thế, nhờ người Sài Gòn giúp, Top mua được cả bao tải bánh. Chập sau, các mậu dịch viên ngạc nhiên thấy ai vào cửa hàng đều nhìn xuống phía dưới quầy, đều mua 5 hộp bánh phồng tôm giống nhau cả… Họ phát hiện ra thằng bé đang ngồi thu lu phía trước với một bao tải bánh phồng tôm Sa Giang đầy tú hụ. Thế là họ la hét đuổi Top đi. Hai chị em dùng hết sức bình sinh lôi hai bao tải bánh lên xe bus đi sang chợ Đa Kao. Ở đây cũng là cửa hàng “ mậu dịch” nhưng khác hẳn, các cô bán hàng ân cần hỏi:

- Các con có nhiêu tiền? Muốn mua bao nhiêu bánh cô bán hết cho.

Hai chị em mua thêm hai bao tải bánh rồi kêu xích lô về nhà người quen ở xóm Bến Cỏ.

Đó là một cái xóm lao động bên trong một hẻm nhỏ cặp theo con kênh hôi thối. Xóm Bến Cỏ giờ bị xóa sổ rồi, mà mình cũng không còn nhớ con đường đó là gì nữa.

Đến nhà người quen- bạn của mẹ, thấy cửa đóng im ỉm, khóa ngoài. Mệt lả. Thằng Top dựa vào bao tải bánh ngủ khò, còn mình lo sợ ngồi chờ đến tối mịt không thấy chủ nhà về (thời đó không có điện thoại). Mình chợt nhớ ra chủ nhà có một người bà con ở cùng xóm Bến Cỏ, lần mò đến nhà bà ấy hỏi, bà cho biết dì Đào- chủ nhà đã về quê Sa Đéc, hai ba bữa mới lên Sài Gòn lại.

Sợ hãi, mình đứng khóc nức nở, nói:

- Bà Ba ơi, con từ Trà Vinh lên không có chỗ ở (thời đó không có khách sạn, nhà nghỉ). Giờ tối rồi hai chị em con không biết đi đâu, bà ba cho con ngủ nhờ một đêm…

Bà Ba nói, nhà bà chật không có chỗ, nhưng dì Đào có giao chìa khóa nhà cho bà giữ giùm, bà Ba cho hai chị em vào ngủ đỡ một đêm, nhưng vì bà không biết con là ai nên bà phải cho người qua ở cùng để giữ nhà cho dì Đào.

Cảm ơn bà, và nhớ ơn bà cho tới bây giờ, 40 năm đã qua

Vào nhà, hai chị em lăn ra ngủ vì quá đuối. Nửa đêm, mình có một giấc mơ về một cái tết sum vầy gia đình thật là vui vẻ, bỗng dưng linh cảm có gì đó không bình thường. Đang ngủ, mình mở choàng mắt ra nhìn. Ở giường bên kia, sát cạnh giường mình, chỉ cách một lối đi hẹp, thằng con trai mình trần trùng trục, ngồi thu lu trên giường nhìn chằm chặp vào mình.

Đó là thằng con trai út của bà Ba, trạc tuổi mình (18-19  tuổi) sang ở cùng để giữ nhà cho dì Đào. Nó ngồi trên giường của nó, yên lặng, nhìn mình xuyên qua lớp mùng. Đèn ngủ phía sau lưng nó chiếu lên tấm lưng trần bóng loáng mồ hôi, khuôn mặt nó chìm trong bóng tối…

Sợ hãi kinh khiếp, nhưng không dám trở mình quay lưng lại, mình mở mắt nhìn hắn ta với tư thế sẵn sàng đối phó. Chừng một phút nhìn nhau như vậy, rồi hắn ta lặng lẽ nằm xuống, quay lưng lại và ngủ. Còn mình thức tới sáng !

Sáng hôm sau về Trà Vinh, ngang trạm thuế Sân Bay, mấy bà bạn hàng lục tục xuống đi bộ, (để cán bộ thuế vụ bắt hàng thì bỏ đi luôn, tránh bị bắt người) mình cũng xuống theo, lòng run sợ. Từ trong trạm, một cán bộ chạy vụt ra chặn đường mình, hỏi:

- Bảo Liên đi đâu vậy? Lo sợ là sẽ bị tịch thu hết hàng, mình thiệt thà khai báo: - Tui mua có …mấy bao bánh phồng tôm về ăn tết thôi hà!

Cán bộ vui vẻ xởi lởi:

- Sao hổng ngồi trên xe đi, xuống đi bộ chi dzậy? Bánh phồng tôm …đâu có sao, tui cho Bảo Liên đi qua đó. Thì ra, đó là một người bạn học cùng khối 12 với tui ở quê nhà, chúng tôi chia tay trong niềm vui tao ngộ.

Tết năm đó, nhờ bánh phồng tôm Sa Giang, nhà mình có một cái tết ấm áp, và mình có một kỷ niệm đáng nhớ đáng…thương với bánh phồng tôm Sa Giang. Hơn 20 năm qua, năm nào mình cũng mua bánh Sa Giang về ăn tết. Các con hỏi, bánh có gì ngon đâu sao mẹ mua hoài không ngán?

Mình nói với con, ngon không phải là bánh ngon, mà ngon vì nó là kỷ niệm

Sa Giang, chỉ là bánh phồng tôm thôi, mà thương nhớ mãi…

Lê Bảo Liên

Tin khác

Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Các ngành chức năng, địa phương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã “chung sức đồng lòng” gia tăng thêm nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, tiêu thụ hàng Việt.
Kinh tế 1 ngày trước
Dự án The Gió Riverside được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đang tiếp tục hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý khác để sẵn sàng triển khai xây dựng dự án trong năm nay. 
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Các công ty đang dịch chuyển ngân sách quảng cáo từ truyền thông kỹ thuật số sang mạng lưới quảng cáo bán lẻ để tạo nguồn thu mới.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Trong bối cảnh rác thải thời trang ngày càng gia tăng, Mèo Tôm Handmade đã được thành lập và đóng vai trò như một giải pháp sáng tạo và đầy ý nghĩa, biến những chiếc quần jean cũ thành những chiếc túi xách độc đáo và thân thiện với môi trường.