Bánh giầy - Hương vị truyền thống của người Việt
Bánh giầy có nguồn gốc từ truyền thuyết thời vua Hùng thứ sáu, kể về Lang Liêu – người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy để dâng lên vua cha trong cuộc thi chọn người kế vị. Bánh giầy có hình tròn, màu trắng tượng trưng cho bầu trời rộng lớn, thể hiện sự tôn kính đối với trời đất, thần linh. Người xưa tin rằng trời có hình tròn, đất có hình vuông, do đó bánh giầy đại diện cho trời cao, còn bánh chưng tượng trưng cho mặt đất.

Không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng, bánh giầy còn thể hiện tinh thần hiếu đạo và truyền thống kính trọng tổ tiên của người Việt. Trong các dịp lễ hội quan trọng như Giỗ tổ Hùng Vương, bánh giầy thường được dùng để dâng cúng, thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên. Trong thời phong kiến, bánh giầy còn được sử dụng trong các buổi đại lễ triều đình và dâng lên vua chúa, thể hiện sự trang trọng và tôn quý.
Bánh giầy còn mang ý nghĩa về sự tròn đầy, viên mãn và sự đoàn kết. Chính vì vậy, trong nhiều gia đình Việt, bánh giầy xuất hiện trong các dịp cưới hỏi, lễ Tết với mong muốn mang đến sự may mắn, hòa thuận và ấm no. Đến nay, dù xã hội phát triển, ý nghĩa của bánh giầy vẫn vẹn nguyên, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt.
Bên cạnh bánh giầy truyền thống, ngày nay có nhiều biến tấu khác như bánh giầy nhân đậu xanh, bánh giầy kẹp chả, hay bánh giầy ngọt. Mỗi loại đều có nét đặc trưng riêng, đáp ứng đa dạng khẩu vị của người thưởng thức.

Bánh giầy kẹp với giò, chả lụa mang đến hương vị đặc sản khó quên. Bánh dày trắng mềm, ôn dai, khi nhẹ vào cảm giác nhẹ nhàng và thoang thoảng mùi thơm của hương nếp. Chả lụa được kẹp bên trong với vị béo nhẹ, thơm thơm, hòa quyện cùng bánh nên tạo sự cân bằng hoàn hảo. Món ăn này không chỉ đơn giản mà còn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người. Cách ăn này là phổ biến nhất và đặc biệt là ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, bánh giầy nhân đậu xanh là lựa chọn yêu thích của nhiều người. Đậu xanh được hấp chín, giã nhuyễn rồi trộn với đường, đôi khi thêm một chút nước cốt dừa để tăng độ thơm béo tạo thành lớp nhân thơm ngon bên trong. Phiên bản này thường xuất hiện trong các dịp lễ, cúng bái hoặc đơn giản là món tráng miệng hấp dẫn.
Một số địa phương còn sáng tạo ra các phiên bản bánh giầy có nhân thịt hoặc nhân mặn, kết hợp với nhiều loại gia vị đặc trưng để phù hợp với sở thích của người dân vùng đó. Bánh giầy nhân thịt thường có vị đậm đà hơn, trong khi bánh giầy ngọt lại mang đến hương vị nhẹ nhàng, tinh tế.
Không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn có vị trí quan trọng trong các nghi lễ, phong tục và lễ hội truyền thống của người Việt. Trong nhiều sự kiện lớn như lễ hội Đền Hùng, bánh giầy được dâng lên các vị vua Hùng để bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao dựng nước của tổ tiên. Đây là một trong những nghi thức quan trọng, thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Hội thi giã bánh giầy tại Hội Xuân ATK Chợ Đồn. Ảnh: Báo Bắc Kạn.
Ngoài Giỗ tổ Hùng Vương, bánh giầy còn xuất hiện trong các lễ hội làng quê, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều địa phương tổ chức các cuộc thi làm bánh giầy với sự tham gia của đông đảo người dân, vừa là cách gìn giữ nét đẹp truyền thống, vừa tạo không khí vui tươi trong dịp hội làng. Quá trình làm bánh đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn, thể hiện tinh thần đoàn kết.
Dù xã hội phát triển, bánh giầy vẫn giữ được chỗ đứng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vào các dịp Tết, giỗ tổ Hùng Vương, hay trong các quán ăn sáng, bánh giầy vẫn là lựa chọn yêu thích của nhiều người. Nó không chỉ là món ăn mà còn là biểu tượng của truyền thống và sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Hiện nay, bánh giầy được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng, siêu thị và các khu chợ truyền thống, giúp nhiều người có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này mà không cần tự làm.
Qua bao thế hệ, bánh giầy vẫn giữ được hương vị truyền thống, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và sự trân quý đối với nguồn cội. Những biến tấu đa dạng của bánh giầy ngày nay không chỉ làm phong phú thêm nền ẩm thực Việt Nam mà còn giúp món ăn này tiếp tục tồn tại và phát triển trong đời sống hiện đại.
Như Quý
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Tập huấn về chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, đoàn thể
-
EPU thúc đẩy hợp tác đào tạo và phát triển nhân lực với Công ty Cổ phần Technobridge NKE và Công ty VJEC
-
Gặp gỡ đầu Xuân 2025: Hoạt động ngoại giao làm sâu sắc quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là nhiệm vụ khả thi
Tin khác
