SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 18/04/2024
  • Click để copy

Bánh chưng Nhật Lệ - thức quà đặc biệt của Cố đô

14:04, 21/01/2023
Bánh chưng Nhật Lệ bắt nguồn từ một cửa hàng nhỏ ở trên đường Nhật Lệ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Qua nhiều năm hình thành và phát triển, bánh chưng Nhật Lệ dần tạo được thương hiệu riêng nhờ vào hương vị đặc trưng và chất lượng trong từng sản phẩm.

Cứ mỗi độ Tết đến, mảnh đất Cố đô lại được bao phủ bởi mùi khói bánh chưng. Và rồi, trong khoảng không gian ấy, bánh chưng Nhật Lệ từ lâu đã trở thành thương hiệu mang đậm đặc trưng của ẩm thực Huế.  

Thương hiệu xuất phát từ tâm

Không phải tự nhiên mà bánh chưng trên đường Nhật Lệ lại nổi tiếng và được nhiều người yêu thích, chọn làm quà tặng gia đình. Nó là cả một quá trình chọn lọc các loại nguyên liệu đặc trưng của xứ Huế mà bà Đinh Thị Thêm (87 tuổi) - người đặt nền móng cho thương hiệu bánh chưng Nhật Lệ - dày công tìm tòi, phát triển.

Bà Thêm nhớ lại: “Thời còn con gái, tôi làm đậu phộng da cá, bán ở các cổng trường nhưng thu nhập không đảm bảo. Gói bánh chưng là công việc mà tôi được học từ bố mẹ và các dịp đi từ thiện ở chùa,... Sau giải phóng, TP Huế tổ chức một buổi triển lãm văn hóa, tôi được nhờ làm bánh chưng để trưng bày. Cái duyên làm nghề bánh chưng cũng đến từ đó”.

Sau bà Thêm, một số người sống trên con đường Nhật Lệ cũng mở các cửa hàng bánh chưng. Dần dần, bánh chưng Nhật Lệ là cái tên mà khách hàng tự đặt và tự gọi các cửa hàng này. Thế nhưng, cứ nhắc đến cái tên đó, người ta lại tìm đến ngay cửa hàng của bà Thêm.

Theo bà Thêm, bánh chưng Nhật Lệ được làm từ loại nếp thơm trồng ở huyện Phú Bài – cách TP Huế khoảng 15 km. Loại nếp này dẻo và có hương thơm đặc trưng.

“Có rất nhiều loại nếp ngon trên thị trường với giá rẻ hơn, hay như nếp thái chất lượng cũng tốt. Nhưng chỉ có nếp thơm Phú Bài mới tạo ra hương vị đặc trưng cho bánh Nhật Lệ”, chị Từ Dạ Thảo - con gái bà Thêm - cho biết.

A1

  Bà Thêm người đặt nền móng đầu tiên cho thương hiệu bánh chưng Nhật Lệ

Để làm ra được một chiếc bánh ngon, phải tuyển chọn loại gạo nếp tròn mẩy, trắng ngà. Như vậy khi nấu lên, bánh sẽ có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng. Các khâu sơ chế nguyên liệu cũng phải tỉ mỉ, công phu.

Đặc biệt là phần nhân có thể xem là linh hồn của bánh. Nhân bánh thường sẽ sử dụng hạt đậu xanh đã đãi vỏ, đều đặn và chắc hạt. Thịt heo phải vừa mỡ vừa nạc, được tẩm ướp gia vị vừa ăn. Vẫn là từng ấy nguyên liệu nhưng với cách chế biến khác nhau, hương vị tạo ra khó có sự trùng lặp.

Bánh chưng Nhật Lệ có thời gian bảo quản được lâu hơn so với các loại bánh chưng thông thường. Ưu điểm này là kết quả học hỏi của bà Thêm.

A2

 Hiện nay trên đường Nhật Lệ có nhiều cửa hàng khác cũng làm bánh chưng và trở thành nét văn hóa đặc sắc của Cố đô Huế

Theo cách làm truyền thông, khi gói bánh, nếp được ngâm thật kĩ với nước sạch để giúp bánh mau chín. Nhưng theo bà Thêm, việc ngâm nếp quá lâu sẽ rút ngắn thời gian bảo quản của bánh. Loại nếp thơm đặc trưng để làm bánh chỉ cần vo như vo gạo, sau đó để ráo nước, càng vo kĩ, bánh càng bảo quản được lâu.

Trung bình, bánh chưng nhỏ được nấu từ 7 - 8 giờ, bánh lớn thì có khi lên đến hơn 10 giờ. Mỗi cặp nhỏ có giá từ 10.000 - 30.000 đồng, còn có những loại bánh mức giá tùy vào khách đặt. Ngày thường, cơ sở của bà Thêm có thể bán hơn 1.000 cặp bánh nhỏ; vào những ngày lễ Tết, số lượng tăng gấp nhiều lần.

Tạo ra nét riêng chính là cách để bánh chưng bà Thêm trở thành đặc sản của Cố đô Huế. Bà Thêm tự hào: “Trước giải phóng, ở Huế cũng có những tiệm làm bánh chưng rồi, nhưng để làm được đẹp và hương vị ngon như tôi thì hầu như chưa có”.

Điểm đặc biệt đó xuất phát từ cái riêng mà không phải ai cũng có được, góp phần hình thành nên phố bánh chưng nổi tiếng ở Cố đô.

A3

 Những cặp bánh chưng vuông vức là biểu tượng không thể thiếu vào dịp Tết

Đến nay, bà Thêm đã gắn bó với công việc làm bánh chưng được gần 60 năm. Vào mỗi dịp Tết, nhiều nhà ở con phố Nhật Lệ cũng làm bánh chưng để bán nhưng bánh chưng ở tiệm bà Thêm vẫn mang hương vị đặc trưng, dễ chiều lòng khách hàng nhất.

Lưu giữ nét đẹp Huế từ cặp bánh

Người Huế giàu truyền thống văn hóa, luôn có sự kính trọng đặc biệt đối với ông bà tổ tiên. Vào dịp Tết, những thức quà trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu bánh chưng. Truyền thống này được các gia đình gìn giữ từ xưa đến nay. Trước đây, nhà ai cũng tự gói bánh cuối năm, nhưng đến nay, việc gói và nấu bánh tốn rất nhiều thời gian nên nhiều gia đình chọn mua bánh ở các cửa hàng.

Dù cuộc sống nhiều thay đổi, tập tục thờ cúng bánh chưng trong ngày Tết vẫn được gìn giữ. Nhờ thế, những bếp lửa ở góc nhỏ trên đường Nhật Lệ vẫn ngày đêm đỏ lửa, cho ra những mẻ bánh mới như lưu giữ ngọn lửa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và quan trọng hơn, làng nghề làm bánh chưng Nhật Lệ có cơ hội sống mãi với thời gian, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có khi mỗi mùa Tết đến.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (trú phường Kim Long, TP Huế) chia sẻ: “Tôi ăn bánh chưng Nhật Lệ từ nhỏ tới giờ. Bánh ở đây béo nhưng không ngán, giá vừa phải. Tết có thể đến đây mua bánh chưng về ăn hoặc cúng tổ tiên”.

A4

 Càng gần Tết, số khách đặt bánh chưng càng nhiều nên các cửa hàng luôn trong trạng thái tấp nập

Trước đây, bánh chưng thường chỉ được gói vào dịp Tết. Việc có thêm các cửa hàng làm bánh chưng quanh năm đã giúp du khách, đặc biệt là khách nước ngoài có cơ hội thưởng thức bánh chưng truyền thống của Việt Nam. Hiện nay, nhiều đoàn khách du lịch thường ghé thăm và trải nghiệm làm bánh chưng Nhật Lệ tại quán bà Thêm.

Bánh chưng thực sự là một mặt hàng tiềm năng để phát triển du lịch ẩm thực ở Huế, nhưng để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách thì không hề dễ dàng. Hiện nay, rất nhiều loại bánh chưng ở Huế lấy danh bánh chưng Nhật Lệ nhưng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến thương hiệu đã có từ lâu đời.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế - bánh chưng đường Nhật Lệ là một “cánh cửa” văn hóa về ẩm thực có tính độc đáo, khác biệt, thể hiện văn hóa đặc trưng của cố đô Huế. Bánh chưng không chỉ dừng lại làm vật phẩm thờ cúng trong ngày lễ Tết mà sẽ trở thành món ăn làm phong phú cho món ngon xứ Huế.

Bánh chưng sẽ là thành tố văn hóa Huế, điều này càng quan trọng khi Huế đang từng bước xây dựng “Kinh đô ẩm thực” và định hướng phát triển, hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa.

Vì vậy, việc quản lý, bảo hộ thương hiệu bánh chưng Nhật Lệ là điều nên làm ngay, giúp sản phẩm này có cơ hội phát triển hơn nữa.

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - UBND Thành phố Hà Nội mới đây đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên truyền hình và ứng dụng đa phương tiện. Theo đó, từ ngày 19/4, học sinh có thể theo dõi các chương trình ôn tập trực tuyến trên kênh H2 của Đài PT-TH Hà Nội và ứng dụng HANOI ON.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - “Tuổi trẻ sáng tạo” là một trong những phong trào truyền thống của đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn Quảng Ninh. Phong trào này đi sâu, đi sát vào những nhiệm vụ mà tỉnh và các địa phương đang triển khai.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của 115 trường trung học phổ thông công lập. Theo đó, thành phố sẽ tuyển 61% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng công tác tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vừa có Thư kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.