SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Bàn về đổi mới và tính khoa học của thuật ngữ 'đổi mới' theo nghĩa 'Innovation' trong các chính sách ở Việt Nam

19:56, 13/10/2021
(SHTT) - Cụm từ đổi mới chứa đựng trong đó không phải chỉ 1 sáng tạo, mà có thể là cả chuỗi của các sáng tạo; và tuyệt đối không nên dùng cụm từ phản khoa học đổi mới sáng tạo.

 1. Vấn đề mập mờ

Trong khoảng 5 năm gần đây, cụm từ đổi mới sáng tạo được các nhà quản lý sử dụng theo nghĩa dịch của từ tiếng Anh là innovation. 

Nhưng nghịch lý ở chỗ: khi dùng đổi mới sáng tạo thì ai cũng hiểu là sẽ có loại đổi mới phi sáng tạo (hoặc đổi mới không sáng tạo), hay nói cách khác, cụm từ đổi mới mà lâu nay người Việt Nam vẫn hay dùng “đổi mới” là loại đổi mới thiếu sáng tạo, hay đổi mới mà không kèm sáng tạo.

Nếu như vậy, thì Chính sách đổi mới của Đại hội VI của Đảng, đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, đổi mới công nghệ… đều thuộc dạng đổi mới mà không có sáng tạo? Vậy mà, cụm từ đổi mới sáng tạo vẫn được dùng rộng rãi như là một “phát minh” to lớn, song thực chất là cách sử dụng bừa bãi của những ai không đủ kiến thức về ngôn ngữ và không hiểu ý nghĩa khoa học của từ đổi mới theo nghĩa innovation. Kéo theo hậu quả, là cả xã hội phải dùng cụm từ phản khoa học này, là cụm “đổi mới sáng tạo” và đương nhiên đây là tư duy sai, dẫn đến hành động sai, (nhưng lại tưởng là Việt Nam sáng tạo ra được từ vựng mới).

Như vậy, do không hiểu thấu đáo nội hàm đích thực của đổi mới cũng như việc sử dụng cụm từ đổi mới sáng tạo là có vấn đề cần phải xét lại một cách nghiêm túc. Quan điểm của tôi là: cụm từ đổi mới là đương nhiên chứa đựng trong đó không phải chỉ 1 sáng tạo, mà có thể là cả chuỗi của các sáng tạo; và tuyệt đối không nên dùng cụm từ phản khoa học đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác innovation phải được dịch và phải được hiểu là đổi mới, tuyệt đối không được dịch, không được dùng một cách phản khoa học như cụm từ đổi mới sáng tạo.

doimoi

 

2. Quá trình biến đổi trong cuộc sống của xã hội ra sao

Để có thể làm rõ hơn về bản chất và thống nhất cách hiểu, cách sử dụng khoa học cụm từ đổi mới một cách khoa học, ta hãy chú ý tới quá trình biến đổi nói chung.

Một sự vật, một sản phẩm, một hoạt động nào đó đều có thể là đối tượng của biến đổi, và biến đổi thì có thể trải qua quá trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình biến đổi có thể được mô tả qua các hình thức sau:

2.1. Thay đổi (tương đương tiếng Anh là Change): là trở thành khác đi so với cái cũ. Cái khác cũng có thể là tốt hơn, có thể là tồi hơn, có thể đại thể là vẫn như cũ. Như vậy ở đây, tiêu chí chính của sự thay đổi là khác, khác so với trước đó. Ví dụ, bức tường cũ được sơn lại, mái nhà được lợp lại, ngọn đồi được bạt đi một góc, cái cây bị chặt đi vài cành, chiếc ô-tô bị móp, chiếc xe đạp bị gãy khung…

2.2. Cải tiến (tương đương tiếng Anh là Improvement): Cải tiến là thay đổi kèm theo yếu tố tốt hơn về lượng/về hình thức: nhanh hơn, chậm hơn, to hơn, trơn chu hơn, bóng hơn, bền lâu hơn. Ví dụ, xe đạp được cải tiến: xe đạp được bỏ bớt các vật cản gió để đi nhanh hơn khi đua xe, cái cây được cắt bỏ lá úa để cây mọc ra các nhánh khác, bức tường cũ được trát lại bằng xi-măng trước khi sơn lại cho dễ bền hơn…

2.3. Tăng trưởng là sự gia tăng về lượng;

2.4. Phát triển là sự biến đổi về chất, hoàn thiện hơn và có tính cân đối hợp lý

2.5. Sáng tạo (tương đương tiếng Anh là Creation): Sáng tạo là thay đổi kèm theo yếu tố mới, tốt hơn về chất lượng/về nội dung/về cấu trúc. Để có được sự tốt hơn về chất lượng, hoặc bền vững hơn thường phải có khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm và phải có phát kiến mới dựa trên tư duy logic. Ví dụ, xe đạp được lắp thêm hộp xích để tăng độ bền vững của xích, đĩa và líp; cái cây được ghép cành mới để tạo sinh thể mới vượt trội hơn; bức tường cũ được ốp thêm hai từ 2 mặt bằng vật liệu nhẹ và cách nhiệt, cách âm nhằm tạo độ bền và tăng độ tiện ích cho con người…

Khái niệm về Sáng tạo được hiểu là hoạt động tư duy nhằm tạo ra một ý tưởng, một phương thức hoặc một sản phẩm mới về chất lượng, hữu dụng và được xã hội chấp nhận. Yếu tố mới về chất lượng: đó là yếu tố đòi hỏi một sản phẩm sáng tạo cần phải có. Đã gọi là sản phẩm sáng tạo hay là sản phẩm khoa học và công nghệ thì đó phải là sản phẩm mới và tốt hơn về chất, có nghĩa là trước nó chưa có, hoặc nếu có thì ở dạng không tiên tiến bằng. Yếu tố hữu dụng là sự chấp nhận của thực tiễn và thực tiễn ở đây được hiểu theo nghĩa rộng: có thể là thị trường, là xã hội, chương trình giảng dạy, ban biên tập của tạp chí, thậm chí là hiệp hội, hay trường phái.

2.6. Sáng tạo khoa học: Sáng tạo khoa học được hiểu là Sáng tạo mà được tạo ra như là kết quả của quá trình nghiên cứu bằng một hay một số phương pháp nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, yếu tố phương pháp nghiên cứu khoa học là bắt buộc đối với sáng tạo khoa học. Đối với công việc sáng tạo nói chung thì chỉ cần hai yếu tố mới về chất lượng và hữu dụng là đủ, song đối với lao động khoa học và công nghệ còn đòi hỏi phải là sản phẩm sáng tạo phải là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc sau khi ứng dụng một hoặc một số phương pháp nghiên cứu khoa học.

2.7. Đổi mới (tương đương tiếng Anh là Innovation): Đã có nhiều định nghĩa được đưa ra, nhưng định nghĩa chuẩn hơn cả là định nghĩa sau đây: Đổi mới là quá trình liên kết các hoạt động sáng tạo và các hoạt động có liên quan tạo ra giá trị bền vững.

Định nghĩa trên về đổi mới (dịch theo từ innovation) với tính khoa học và bao trùm các lĩnh vực của hoạt động xã hội. Từ khái niệm khoa học của từ đổi mới/innovation như trên, một số dịch giả lại đưa ra khái niệm thu hẹp chi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như tại mục 16, điều 3, của Luật Khoa học và Công nghệ như trên đã dẫn:

“Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.”.

Như vậy, việc dùng đổi mới sáng tạo thay vì đổi mới đã làm hẹp lại khái niệm Innovation. Cũng hệt như ta đang dùng khái niệm chuẩn là khoa học (bao gồm trong đó rất nhiều dạng sáng tạo), lại chuyển sang dùng khoa học sáng tạo đây chỉ là một nhánh nhỏ của khoa học. Đang dùng khái niệm chuẩn là công nghệ (bao gồm trong đó rất nhiều loại sáng tạo), lại chuyển sang dùng công nghệ sáng tạo, đây chỉ là một nhánh nhỏ của công nghệ mà thôi.

Vậy nên nếu dùng khái niệm hẹp như khoa học sáng tạo thay cho khoa học, công nghệ sáng tạo thay cho công nghệ, đổi mới sáng tạo thay vì đổi mới là phản khoa học và không chấp nhận được.

3. Bàn thêm về Đổi mới

Để hiểu sâu và thấu đáo định nghĩa này, hãy xem thêm quá trình vận động và thay đổi của khái niệm đổi mới (innovation) trong các nghiên cứu quốc tế sau đây.

3.1. Đổi mới – một khái niệm rộng và sâu sắc

Như đã nêu trong phần mở đầu, đổi mới trong nghiên cứu này được hiểu bao gồm nhiều chiều không chỉ bao gồm các hoạt động sáng tạo, công nghệ mới, các sản phẩm mới và các ứng dụng của chúng mà còn mở rộng sang các lĩnh vực xã hội và tư duy. Các sáng kiến xuất kinh doanh, các sản phẩm, dịch vụ, cách thức làm việc và các giải pháp tổ chức và quản lý... dẫn đến sự liên kết tích hợp của tính mới, tính hữu dụng và một chuỗi các thành công trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Nếu không có sự tích hợp của ba yếu tố các sáng kiến, hoạt động sáng tạo và các hoạt động tổ chức và quản lý sáng tạo hướng tới phát triển bền vững thì không có đổi mới. Như vậy đổi mới có thể được phân biệt với các kết quả của hoạt động sáng tạo và năng lực sáng tạo của mỗi con người. Năng lực đổi mới được hiểu là sự tích hợp hài hòa giữa năng lực sáng tạo và khả năng tổ chức và quản lý các kết quả của chuỗi các hoạt động sáng tạo với mục đích tạo ra giá trị bền vững.

3.2. Sự tiến triển của khái niệm đổi mới

Việc sử dụng rộng rãi từ đổi mới - innovation như là một thuật ngữ phổ biến đã dẫn tới một cách hiểu từ này trong một khung cảnh rộng nhưng lại thiếu nội hàm chuẩn, không cô đọng và không dễ hiểu; thuật ngữ đổi mới thường được hiểu là sự thay đổi, sự đổi khác, sự thay đổi theo nghĩa cải tiến, cải thiện, sáng tạo, hay coi là đồng nghĩa với sáng tạo, sáng chế.

Vào những năm 1930, thuật ngữ đổi mới được Joseph Schumpeter, nhà kinh tế người Áo, định nghĩa như là quá trình thương mại hóa có chứa các yếu tố mới hoặc có sự kết hợp với các yếu tố cũ. Sau này, cũng chính Schumpeter vào năm 1983 có mở rộng định nghĩa đổi mới, theo nghĩa theo nghĩa là thương mại hóa sản phẩm mới, tạo ra các quá trình mới, các thị trường mới, và/hoặc đưa ra các dạng tổ chức mới. Như vậy, bản thân Schumpeter cũng đã nhận thấy nội hàm của đổi mới ngày cần phải được chính xác hóa và chỉnh chuẩn cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Trong khi định nghĩa đổi mới ngay từ khởi nguồn của Schumpeter đã là tương đối rộng, thì đáng tiếc là các định nghĩa sau này của các nhà kỹ trị lại thu hẹp lại, và đổi mới thường được hiểu chủ yếu là liên quan tới các sáng chế, việc biến từ các sáng chế thành công nghệ và các sản phẩm mới, tạo nên những thành công trên thị trường thương mại.

Một điều thật chuẩn xác và hợp với quy luật phát triển, đó là là trong khoảng 40 năm gần đây việc sử dụng khái niệm đổi mới lại được mở rộng trong khung cảnh phát triển xã hội, văn hóa, và tư duy (trong đó có các nhà khoa học như Pettigrew & Fenton 2000; Clark 2003; Afuah 2003; Lam 2005; Jorna 2006; Mai Hà 2015). Vượt qua những tư duy hẹp của các nhà kỹ trị thuần túy (giống hệt như khái niệm đổi mới sáng tạo dùng trong Luật Khoa học và Công nghệ 2013, như đã dẫn ở trên), khi họ chỉ chú trọng vào đổi mới sản phẩm, đổi mới qui trình sản xuất, đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các nhà khoa học nghiên cứu quốc tế về đổi mới đã mở rộng lĩnh vực mà đổi mới thực sự mang lại những hiệu quả phát triển vô cùng to lớn, đó là lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và tư duy. Ví dụ các lĩnh vực mới, bao trùm lên lĩnh vực kỹ trị hẹp, như: đổi mới kinh tế, đổi mới văn hóa, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý, đổi mới giáo dục, đổi mới học tập, đổi mới hoạt động, đổi mới đạo đức, và đặc biệt là đổi mới tư duy, đổi mới mô hình, đổi mới lý luận, đổi mới học thuyết, đổi mới chủ thuyết,... Đây mới thật sự là xu thế phát triển đúng tầm cỡ của Đổi mới, hay nói chính xác hơn là của Lý thuyết về Đổi mới. Và điều quan trọng hơn cả, là Lý thuyết về Đổi mới đã và đang phát triển luôn hướng tới tính bền vững của toàn cục.

Rosenberg (1982) đã phát triển ý tưởng đổi mới như là một quá trình học tập: ở đây, cần thấy rõ quá trình tạo ra những sáng tạo. Chỉ có học tập, tích lũy kiến thức, thì mới có nhiều sáng tạo. Sau này, những ý tưởng về quá trình học tập càng ngày càng được củng cố và bổ sung chính thông qua những nghiên cứu của Cohen & Levinthal (1990).

Một trong những điểm tiến bộ theo hướng mở rộng đó là nhiều quá trình đổi mới đan xen nhau thành những hệ thống đổi mới: công trình của Schumpeter là cơ sở cho các bài viết của Christopher Freeman (1982) và Giovanni Dosi (1982) về đổi mới qua đó các hệ thống đổi mới đã được phát triển vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990 (ví dụ, Edquist 1997; Nelson 1993, và Lundvall 1995). Các hệ thống đổi mới đã dựa trên ý tưởng các mạng lưới hợp tác của các nhân tố của các khu vực sở hữu công và sở hữu tư, trong đó đặc biệt là có các nguồn lực tạo ra tri thức. Cơ sở của ý tưởng này là ba trục xoắn liên kết (xoắn ba) giữa khu vực quản lý nhà nước, khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực nghiên cứu tại các viện - trường đại học. Các mạng lưới dày đặc của các mối quan hệ xã hội, văn hóa, kinh tế trên nền của hội nhập quốc tế, với nhiều tầng lớp khác nhau đã làm cơ sở cho các hệ thống đổi mới, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hệ thống đổi mới đóng góp tích cực vào sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu (xem thêm Freeman 1987; Lundvall 1992; Edquist 1997). Tiếp tục ý tưởng đan xen nhiều tầng lớp của các hệ thống đổi mới, Lundvall (1999) đã cho rằng thành tựu kinh tế liên quan tới sự gắn kết và tin cậy trong các mối tương tác xã hội và môi trường.

Patel & Pavitt (1994) đã đưa ra định nghĩa đổi mới như là một quá trình dẫn đến sự trao đổi tri thức ở dạng hiểu ngầm và dạng quy ước, và trong khi sự tăng trưởng, thông qua công nghệ và sản xuất, được cải thiện, thường đã được coi là sự khích lệ kinh doanh đối với đổi mới. Rogers 1983 đã chỉ ra rằng tri thức đã trở thành yếu tố then chốt của năng suất trong sản xuất kinh doanh và các dịch vụ công. Lundvall (1999) thấy rằng các hệ thống đổi mới về cơ bản dựa trên các hệ thống tri thức và học tập.

Fagerberg và cộng sự (2005) đã nhận xét: “Sáng chế là bước khởi đầu của một ý tưởng cho một quá trình hoặc sản phẩm mới, trong khi đổi mới là ý định đầu tiên đưa ý tưởng đó vào thực tế”. Cách hiểu này coi đổi mới là quá trình rất phổ biến, và Dosi (1982 [19]) coi đổi mới như là một quá trình giải quyết vấn đề tương đối trọn vẹn, trong khi Kline và Rosenberg (1986) coi đổi mới như là một quá trình liên quan tới các mối quan hệ chính thức và không chính thức trong mạng lưới các tác nhân (tức là có tính hệ thống).

Vào 1991, OECD định nghĩa đổi mới như sau: “Đổi mới là một quá trình lặp, được khởi đầu bằng sự nhận diện được thị trường mới và/hoặc cơ hội dịch vụ mới cho một sáng chế dựa trên công nghệ dẫn đến sự triển khai, sản xuất và các nhiệm vụ tiếp thị và các yếu tố này phải nỗ lực hết sức cho thành công thương mại của sáng chế đó” (OECD 1991). Định nghĩa này của OECD bao gồm hai khía cạnh của đổi mới. Thứ nhất, đổi mới bao gồm toàn bộ quá trình bắt đầu từ sáng chế qua triển khai, sản xuất và đưa ra thị trường và cuối cùng kết thúc bằng thành công thương mại. Thứ hai, quá trình lặp cũng có nghĩa rằng đổi mới bao gồm cả việc lần đầu tiên đưa ra đề xuất mới và những cải tiến có thể có sau này (xem thêm Garcia & Calantone 2002). Như vậy với ý tưởng ban đầu sáng chế quay trở lại đổi mới sau khi quá trình triển khai, sản xuất và đưa ra thị trường thành công.

Trong Oslo Manual (2005, xem), đổi mới được định nghĩa như sau: “Đổi mới là việc tạo ra một sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải thiện đáng kể (sản phẩm hoặc dịch vụ), hoặc quy trình, phương pháp tiếp thị mới hoặc phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc hoặc các mối quan hệ với bên ngoài. Yêu cầu tối thiểu cho một sự đổi mới là sản phẩm, quy trình, phương pháp tiếp thị hoặc phương pháp tổ chức phải mới (hoặc được cải thiện đáng kể) cho công ty”.

Cả hai khái niệm trên của OECD và của Oslo Manual đều chú trọng đến quá trình từ sáng chế hoặc sáng tạo đáng kể hoàn thiện sản phẩm hoặc qui trình được thị trường chấp nhận và có khả năng quay vòng, khả năng lặp lại.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ điều hành nhà nước, điều có ý nghĩa sống còn đối với việc quản lý và phát triển các năng lực, đổi mới liên quan tới hiệu quả, hiệu suất, năng suất và chất lượng dịch vụ; đổi mới liên quan tới cấu trúc tổ chức của các quá trình quản lý và hành chính, và có hoặc không có liên quan tới đổi mới kỹ thuật (Afuah 2003). Chính ý tưởng đổi mới và chính quá trình đổi mới đó đã tạo nên sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế - xã hội hiện có (xem thêm Christensen 1997; Birkinshaw và cộng sự 2007). Điều này có nghĩa đổi mới đã vượt ra khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh – thị trường, đổi mới bao gồm một nội hàm rộng lớn hơn, bao trùm lĩnh vực sản xuất kinh doanh – thị trường, đó là lĩnh vực tổ chức và quản lý xã hội, văn hóa và tư duy trên nền của phát triển bền vững. Chính vì vậy, tác giả Mai Hà (2015 đã đưa ra định nghĩa của mình, trong đó đã bao quát nội hàm rộng lớn của đổi mới hướng tới phát triển bền vững: Đổi mới là quá trình liên kết các hoạt động sáng tạo và các hoạt động có liên quan tạo ra giá trị bền vững.

Tính khoa học của khái niệm này nằm ở chỗ: hoạt động sáng tạo có ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, mà không chỉ gói hẹp trong triển khai công nghệ, hay trong sản xuất kinh doanh. Cốt lõi của khái niệm này nằm ở sự liên kết/tích hợp các hoạt động sáng tạo và các hoạt động các liên quan để tạo ra giá trị bền vững: đó có thể là ý tưởng hoặc sáng kiến đầu tư, ý tưởng nghiên cứu và sáng tạo ra: sáng chế, công nghệ, sản phẩm, phương thức tư duy, phương thức tổ chức, phương thức kinh doanh... được thị trường/xã hội chấp nhận và tạo ra giá trị có tính bền vững.

Qua phân tích trên, dễ dàng nhận thấy các định nghĩa/khái niệm đề cập trước đó đều được bao hàm trong định nghĩa có tính tổng quát của tác giả Mai Hà (2015, xem trang 56-57 trong [4]), đó là: Đổi mới là quá trình liên kết các hoạt động sáng tạo và các hoạt động có liên quan tạo ra giá trị bền vững.

Những điểm cốt lõi và mang ý tưởng mới cho khái niệm đổi mới, đó là đổi mới là quá trình không chỉ của những hoạt động sáng tạo, mà hoạt động sáng tạo muốn có được hiệu ứng đạt tới giá trị bền vững, thì buộc phải tích hợp với các hoạt động các liên quan, như đầu tư cho sáng tạo, đào tạo nhân lực sáng tạo, tạo môi trường tôn trọng sáng tạo và khuyến khích sáng tạo, hoạt động quản trị sáng tạo hướng tới đổi mới, hoạt động nghiên cứu và triển khai và hoạt động thương mại hóa công nghệ,... đảm bảo quá trình đổi mới tạo giá trị bền vững. Từ định nghĩa này, người ta dễ dàng hiểu tại sao đổi mới tất yếu sẽ dẫn tới hệ thống quốc gia về đổi mới (National Innovation System – NIS) mà cũng chính các tác giả nghiên cứu về đổi mới sau này, đều tiếp tục khai phá theo hướng hệ thống quốc gia về đổi mới. Cũng chính bởi hệ thống quốc gia về đổi mới mới là sự đảm bảo cho mục đích bền vững.

Như vậy, hệ thống quốc gia về đổi mới chính là mục tiêu để các quốc gia phát triển trên thế giới tái cấu trúc hệ thống nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ của họ trong một vài thập kỷ vừa qua. Đây rõ ràng là bài học quý giá cho việc tái cấu trúc hệ thống khoa học và công nghệ: biến hệ thống khoa học và công nghệ theo kiểu hàn lâm và tách rời với kinh tế và xã hội thành hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới, hay nói cách khác đó chính là Hệ thống quốc gia về đổi mới.

4. Kết luận

Muốn tăng cường hiệu quả đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, các quốc gia trên thế giới buộc phải hình thành hoặc phải tái cấu trúc hệ thống khoa học và công nghệ của mình thành hệ thống quốc gia về đổi mới. Muốn vậy, việc đầu tiên các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà quản lý khoa học và công nghệ cần phải tường minh về hệ thống các khái niệm và lý luận về đổi mới với những nội hàm khoa học, chứ không thể tư duy đại khái, dùng từ ngữ phản khoa học và tự cho gán cho nó những nội hàm không giống ai, muốn hiểu thể nào cũng được. Cách tư duy này thật lạc hậu, cách hành động này thật phản khoa học và đương nhiên là sẽ thất bại. Cần phải bắt đầu sửa tư duy bằng việc không dùng cụm từ phản khoa học đổi mới sáng tạo, mà chỉ và phải dùng đổi mới là chuẩn.

PGS.TS. Mai Hà,

Nghiên cứu viên Cao cấp, Chuyên gia độc lập,

Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tin khác

Khoa học Công nghệ 5 giờ trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 5 giờ trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 21 giờ trước
(SHTT) - Công ty Weichai Power của Trung Quốc mới đây đã chính thức ra mắt động cơ diesel đầu tiên trên thế giới đạt được mức hiệu suất thân nhiệt lên tới 53,09%. Đây là thành tựu sau nhiều năm nghiên cứu từ đội ngũ sản xuất của công ty này.
Khoa học Công nghệ 21 giờ trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.
Khoa học Công nghệ 22 giờ trước
(SHTT) - Mới đây các nhà khoa học đã có thành tựu mang tính “cách mạng” với sự ra đời của “Máy ảnh thơ”, một thiết bị không chỉ hỗ trợ AI, mà còn là một công cụ biến những bức ảnh bình thường thành những bài thơ đầy cảm xúc.