Bản quyền hội họa thời 4.0: Những bất cập trong hành lang pháp lý
Có thể thấy, lĩnh vực hội họa là “môi trường thuận lợi” cho các hành vi vi phạm bản quyền. Những hành vi này được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để chỉnh sửa, thay đổi nội dung tác phẩm khác biệt so với tác phẩm gốc.
Không chỉ vậy, trong thời đại công nghệ bùng nổ, các đối tượng thực hiện những hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng ngày càng dễ dàng hơn và khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Ngoài ra, những bất cập trong hành lang pháp lý cũng khiến vấn nạn này ngày càng trở nên phổ biến.
Ví dụ tiêu biểu chính là vụ kiện tụng liên quan đến họa sĩ Đoàn Quốc. Cụ thể, một bức tranh trong triển lãm diễn ra tháng 6/2022 của họa sĩ này bị phát hiện giống với một cảnh trong phim “Cố Du” của đạo diễn Nguyễn Phùng Minh Luân ra mắt từ năm 2019. Đôi bên đều có lý lẽ bảo vệ tác phẩm của mình, song một lần nữa làm “nóng” câu chuyện ranh giới mong manh giữa học hỏi, tham khảo hay đạo nhái, bắt chước trong nghệ thuật tạo hình.
Khi quan sát bức tranh của Đoàn Quốc và cảnh phim “Cố Du” đặt cạnh nhau, không khó nhận ra sự tương đồng trong bối cảnh, bố cục, nguồn sáng, và nhiều chi tiết, hoa văn trong các đồ vật trên bàn. Ê-kíp làm phim cho biết dự án “Cố Du” tái hiện cuộc sống của tầng lớp quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn, và cảnh quay này do đạo diễn Minh Luân lên ý tưởng và dàn dựng, kết hợp với công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), sau đó sử dụng các đạo cụ để làm thành bối cảnh quay phim, chứ không phải là cảnh trí có sẵn tại một ngôi nhà cổ hoặc địa điểm du lịch.
Trong khi đó, giám tuyển Lý Đợi, đại diện của họa sĩ Đoàn Quốc trong triển lãm, bác bỏ mọi cáo buộc.
Ông cho rằng không thể độc quyền các hình ảnh đã mang tính cổ điển, phổ quát hoặc dân gian như cái cửa sổ, bộ bàn, cái tủ, bức bình phong... Việc kiện tụng vì tranh vẽ trông giống một cảnh cắt ra từ phim gần như chưa có tiền lệ, và được nhiều người trong nghề nhận định là “khó giải quyết”. Trong khi chưa có Luật Mỹ thuật với những quy định cụ thể, thì các khung pháp lý chung khác về hoạt động mỹ thuật đều không đủ rõ ràng để phân định đúng sai trong trường hợp này.
Hiện, việc tham chiếu, xác định một tác phẩm hội họa là bản gốc hay sao chép, sao chép bao nhiêu phần... là rất phức tạp, không chỉ ở riêng Việt Nam mà với nhiều nền mỹ thuật ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, không có nghĩa là không có cách nào. Ngoài việc dựa vào kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, máy móc kỹ thuật... của hệ thống thẩm định, còn cần thiết phải nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức về bản quyền của bản thân họa sĩ.
Nói về hậu quả của vấn nạn này, nhiều họa sĩ cho biết, thiệt thòi trước tiên là tác giả, sau đó đến nhà đầu tư, sưu tập, đặc biệt ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nền mỹ thuật Việt. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho hay, để bảo vệ quyền lợi của mình, các tác giả nên chú trọng hơn đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ có thể ủy quyền cho người có chuyên môn về bản quyền để được hỗ trợ phát hiện vi phạm, thay mặt tác giả yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ.
Minh Anh