SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Băn khoăn thời hạn lấy phiếu, các mức tín nhiệm

08:18, 07/06/2014
Sáng 6-6, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH đã trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.  

Vẫn giữ 3 mức tín nhiệm

Trình Quốc hội về nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể, bà Nguyễn Thị Nương cho biết, nhiều ý kiến cho rằng đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết số 35 là phù hợp, nên không cần có sự điều chỉnh. Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm như hiện nay là nhiều, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 1 lần trong một nhiệm kỳ. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. UBTVQH cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ hàng năm có ưu điểm là thực hiện được việc giám sát, đánh giá cán bộ thường xuyên, gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm. Tuy nhiên, mặt hạn chế là thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, 1 năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. UBTVQH đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu 1 lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ HĐND 2011 - 2016, Quốc hội và HĐND tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

Về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên để ở 3 mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp” như quy định của Nghị quyết 35. Một số ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm chỉ nên để ở 2 mức là “Tín nhiệm” và “Không tín nhiệm”. Theo bà Nguyễn Thị Nương, UBTVQH nhận thấy Nghị quyết số 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một căn cứ làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. 

Thảo luận về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ĐBQH không đồng tình với phương án mà UBTVQH đưa ra. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Cùng quan điểm, ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) cho rằng, nếu chỉ lấy phiếu 1 lần thì không phục vụ gì cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả công việc của người thuộc đối tượng lấy phiếu. Tham gia thảo luận, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng băn khoăn về sửa đổi thời hạn lấy phiếu tín nhiệm. Nếu chỉ lấy 1 lần/nhiệm kỳ thì ít quá, không đánh giá được mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đề xuất lấy 2 lần/nhiệm kỳ, để có cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ và có tác động đến việc bố trí, quy hoạch cán bộ. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng đồng ý lấy tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ, vì cho rằng đang từ lấy tín nhiệm hàng năm nay cả nhiệm kỳ lấy 1 lần là quá đột ngột. ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) thẳng thắn, nếu lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì không giải quyết được vấn đề gì; không có tác dụng cảnh báo cũng như những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Nêu ra một mâu thuẫn, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho biết, theo quy định này khi lấy phiếu lần đầu, nếu người nào có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ở lần sau. Nay quy định cả nhiệm kỳ chỉ có 1 lần bỏ phiếu thì không có lần thứ 2 để bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhiều ĐBQH khác cho rằng, nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì sẽ hạn chế tính “cảnh tỉnh, răn đe” của việc lấy phiếu. ĐB Bùi Nguyên Súy (Sơn La) phân tích: “Lấy phiếu tín nhiệm xong thì cũng đã sắp hết nhiệm kỳ, có cán bộ cũng vừa tới tuổi hưu, liệu họ có cần phải cố gắng nữa không? Đã lấy phiếu thì phải làm hàng năm mới có tác dụng”. 

3 mức tín nhiệm: không biết giải thích với dân thế nào?

Cùng với thời điểm lấy phiếu, quy định về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm cũng khiến nhiều ĐBQH băn khoăn. ĐB Võ Thị Dung cho rằng chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm ở 2 mức là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”. Khi có kết quả thì có thể quy định các mức: thế nào là tín nhiệm cao (chẳng hạn đạt từ 80% phiếu tín nhiệm trở lên), thế nào là tín nhiệm thấp. Kiên trì đóng góp ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói bà đã cố nhớ nhưng không tìm ra ở đâu lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức cả. “Ví dụ ở TPHCM muốn bổ nhiệm 1 cán bộ nào đó thì phải lấy phiếu tín nhiệm, chỉ có 2 phương án đồng ý hay không đồng ý. Làm ở 2 mức thì chỉ có 2 kết quả, hoặc có tín nhiệm cao hoặc là tín nhiệm thấp, rất đơn giản và dễ hiểu, tại sao chúng ta không làm được. Tôi đi tiếp xúc cử tri, họ hỏi làm thế nào bà bỏ phiếu được khi đưa ra 3 mức tín nhiệm như vậy? Điều này rất dễ hiểu mà sao Quốc hội không làm? Tôi không giải thích được” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tâm tư. 

Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đưa ra một phương án mới: có thể cho thang điểm từ 1 đến 10, cộng lại chia trung bình để tính ra mức độ tín nhiệm. Nếu để 3 mức như hiện nay thì nên cho thêm 1 mức là không tín nhiệm. 

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị UBTVQH cho biết ý kiến các đoàn ĐBQH về 2 mức tín nhiệm, 3 mức tín nhiệm thế nào. “Có bao nhiêu đoàn đồng ý 2 mức, bao nhiêu đoàn đồng ý 3 mức cần công bố cho rõ vì trước kỳ họp các đoàn ĐBQH đều họp về vấn đề này. Sửa thế này thì trả lời cử tri thế nào, sửa thế thì “tốt hơn” ở chỗ nào?” - ĐB Trần Du Lịch băn khoăn. ĐB Võ Thị Dung kiến nghị thêm: Quốc hội nên biểu quyết từng nội dung về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Nên đưa ra 2 phương án về thời gian, mức tín nhiệm để ĐBQH lựa chọn.

Cũng trong chiều 6-6, các đoàn ĐBQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quốc tịch. Thảo luận về dự luật này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cần bỏ quy định kiều bào phải đăng ký quốc tịch, vì công dân Việt Nam ở nước ngoài khi đã có quốc tịch thì hầu hết không muốn bỏ quốc tịch đó. Đây cũng là ý kiến của hầu hết các ĐBQH.   

Các ĐBQH cũng đều bày tỏ sự nhất trí cao với việc Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.      

Tin khác

Tin tức 29 phút trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 2 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).