SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 14/06/2025
  • Click để copy

Bài 3: Doanh nghiệp bị làm giả – Im lặng có phải là tiếp tay?

13:16, 09/06/2025
(SHTT) - Thay vì che giấu, việc sớm lên tiếng về việc bị làm giả và hỗ trợ các cơ quan chức năng ngăn chặn các hành vi làm giả sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tuy tín đối với khách hàng. Đây cũng là hành động thực tế giúp bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Im lặng là “thỏa hiệp” với hàng giả

Theo loạt bài: “Ai bảo vệ người tiêu dùng sau 3 tháng cao điểm?”, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đã đăng tải các bài viết: Bài 1: Sở hữu trí tuệ trong bảo vệ người tiêu dùng trước hàng giả thực phẩm, Bài 2: Đợt cao điểm xử lý hàng giả thực phẩm: Nhanh nhưng có bền?. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu vào vai trò và trách nhiệm của chính các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả. Câu hỏi được đặt ra: “Khi hàng giả tràn lan, việc doanh nghiệp im lặng có phải họ đang mặc nhiên tiếp tay?”.

Khi công ty công nghệ DeepPro tung ra thị trường sản phẩm tem chống giả DeepQR và giải pháp quản lý chuỗi ứng dụng blockchain DeepSignature – một công nghệ đã được đăng ký bản quyền tại Mỹ – đội ngũ khởi nghiệp tràn đầy kỳ vọng. Họ tin rằng một công nghệ lõi mới, bảo mật cao, giá thành rẻ và dễ tích hợp sẽ nhanh chóng chinh phục thị trường. Nhưng thực tế thị trường B2B lại không dễ đoán như vậy. Trong những buổi demo với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí cả đơn vị logistics và bán lẻ, phản ứng không phải là sự hào hứng, mà là những cái lắc đầu quầy quậy. Lý do nghe qua tưởng chừng ngược đời: “Minh bạch quá thì chết!”.

ttg-phat-bieu-cuoc-hop-1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17/5/2025 ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Chỉ thị huy động cả hệ thống chính trị, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lấy Nhân dân làm trung tâm trong cuộc chiến bảo vệ thị trường lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng. 

Nhiều doanh nghiệp từ chối áp dụng giải pháp bởi họ sợ bị phơi bày – từ nguyên liệu đầu vào không đạt chuẩn, quy trình pha trộn không đồng nhất cho tới việc phân phối bán thành phẩm thiếu kiểm soát. Một số đơn vị còn lo ngại nếu truy xuất nguồn gốc công khai thì người tiêu dùng hoặc cơ quan chức năng sẽ phát hiện những “góc khuất” trong chuỗi. Câu chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” dường như đã len lỏi không chỉ trong sản xuất mà cả trong phân phối, hậu cần, thậm chí ở một số siêu thị mini – nơi niềm tin tưởng chừng được đảm bảo – vẫn có thể lặng lẽ trôi đi vài sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Khi loạt bài này lên khuôn, thông tin về vụ bắt giữ gạo giả mang nhãn hiệu ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua tại Hà Nội càng cho thấy mức độ liều lĩnh và tinh vi của hàng giả. Dù ST25 đã từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới, và dù ông Cua nhiều lần lên tiếng cầu cứu, nhưng thực tế là các cơ quan vẫn xử lý rải rác, trong khi thị trường thì đầy những bao gạo “ST25 giả danh”.

Kỹ sư Cua từng chia sẻ: “Cứ mỗi lần đi thị trường thấy gạo ST25 tràn lan mà mình không biết gạo đó từ đâu ra, tôi cảm thấy mệt mỏi. Có lúc tôi muốn dừng lại.” Người tiêu dùng thì bối rối, vì chính hàng thật cũng im lặng. Vậy khi doanh nghiệp – chủ thể của thương hiệu – không hành động, ai sẽ bảo vệ họ và người tiêu dùng?

cbl-17474479869491419412375-1747449335682-1747449336773197221932

Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025  của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định: Người đứng đầu lực lượng Quản lý thị trường tại từng cấp phải chịu trách nhiệm chính trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện từ cấp phép, sản xuất, kinh doanh đến lưu thông hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý. 

Câu chuyện ấy không phải cá biệt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp – từ nhỏ đến lớn – đã chọn cách “im lặng mà sống” khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả. Lý do có thể là lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, nhất là khi đang trong quá trình gọi vốn hay chào sàn chứng khoán. Một số doanh nghiệp niêm yết còn lo tin tức hàng giả lan ra sẽ khiến giá cổ phiếu giảm. Những doanh nghiệp nhỏ thì đắn đo hơn: nếu lên tiếng, liệu họ có bị trả thù, bị kiểm tra chồng chéo hay mất hợp đồng? Thêm vào đó, việc kiện tụng tốn kém, kéo dài và nhiều lúc chẳng đi tới đâu nếu không có hỗ trợ pháp lý đủ mạnh.

Tuy nhiên, chính sự im lặng ấy đang tiếp tay cho cái xấu lên ngôi. Hàng giả cứ thế len lỏi, trôi nổi trên thị trường mà không có bất cứ cảnh báo nào. Người tiêu dùng thì mua phải hàng kém chất lượng nhưng không phân biệt được thật – giả vì doanh nghiệp chính chủ không lên tiếng. Còn cơ quan chức năng thì không thể hành động nếu thiếu tố giác, bằng chứng. Tình trạng này tạo ra một vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp sợ lên tiếng, người tiêu dùng mất lòng tin, hàng giả tiếp tục hoành hành và thị trường rơi vào hỗn loạn.

Khuyến nghị mô hình “4 bên – 1 mục tiêu” trong phòng chống hàng giả

Để phá vỡ vòng tròn ấy, cần một cơ chế phối hợp thực sự hiệu quả. Đầu tiên, chính các doanh nghiệp phải từ bị động chuyển sang chủ động. Việc ứng dụng các giải pháp như DeepQR hay blockchain không chỉ giúp quản lý chuỗi mà còn là vũ khí để phát hiện, khoanh vùng và cảnh báo sớm các trường hợp làm giả. Họ cũng cần đầu tư vào bộ phận pháp lý, liên kết với các đơn vị bảo vệ sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp – điều mà các thương hiệu như Nestlé, Unilever hay Vinamilk đã thực hiện rất thành công để xây dựng niềm tin lâu dài. Thay vì che giấu, minh bạch sớm về hàng giả không làm doanh nghiệp mất uy tín – mà trái lại – còn cho thấy họ có trách nhiệm, chủ động và minh bạch với khách hàng.

Về phía cơ quan chức năng, đã đến lúc cần một cổng tiếp nhận báo cáo vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả ở cấp quốc gia – nơi tích hợp dữ liệu giữa các bộ ngành: Công Thương, KH&CN, Y tế, QLTT, Công an. Không thể để tình trạng mỗi nơi quản lý một phần, không ai chịu trách nhiệm chính như trong vụ sữa công thức và kẹo rau gần đây. Đồng thời, cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ cách thu thập bằng chứng, phối hợp điều tra và truyền thông minh bạch – thay vì để họ đơn độc.

Song song, người tiêu dùng và báo chí cũng cần trở thành “tai mắt xã hội”. Người tiêu dùng hiện nay có thể sử dụng app xác thực, hotline hoặc quét mã QR để phân biệt thật giả – nếu doanh nghiệp cung cấp nền tảng minh bạch. Còn báo chí – với vai trò trung gian – nên tránh việc đưa tin giật gân khi chưa xác minh rõ, đồng thời đồng hành cùng các hiệp hội ngành hàng để truyền đi thông điệp chính xác, có trách nhiệm.

CS Thai Lan

Ở Thái Lan, Cảnh sát là lực lượng chủ lực tấn công các hang ổ hàng giả. Thực tiễn thời gian qua ở nước ta cũng minh chứng vai trò chủ lực của cơ quan công an. Trong ảnh: Cảnh sát Thái Lan tịch thu và điều tra kho hàng giả 'toàn các nhãn hiệu xa xỉ' với 78.223 sản phẩm của 2 công dân Trung Quốc hồi tháng 5/2025. 

Từ những kinh nghiệm quốc tế, mô hình “4 bên – 1 mục tiêu” gồm doanh nghiệp – cơ quan nhà nước – người tiêu dùng – báo chí đang được đánh giá là một chiến lược khả thi. Tại Thái Lan, “Liên minh chống hàng giả ngành thực phẩm” (AFAI) đã thành lập từ 2020, giúp phát hiện và xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm nhờ sự phối hợp giữa doanh nghiệp – cảnh sát – người tiêu dùng và truyền thông. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để thiết lập một hệ sinh thái như vậy, ít nhất trong các ngành dễ bị giả như thực phẩm, dược phẩm, thời trang.

Tóm lại, doanh nghiệp là tuyến đầu trong cuộc chiến chống hàng giả – nhưng nếu họ chọn cách đứng ngoài vì lo sợ, thì chính họ sẽ bị hàng giả lấn át, thị phần bị cướp và người tiêu dùng quay lưng. Trong thời đại minh bạch và kết nối như hiện nay, im lặng chính là tiếp tay. Không thể đòi hỏi người tiêu dùng bảo vệ doanh nghiệp nếu chính doanh nghiệp không chủ động bảo vệ thương hiệu của mình.

Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào các giải pháp công nghệ và mô hình giám sát cộng đồng – từ AI, blockchain đến những nền tảng cảnh báo sớm và mạng lưới “tai mắt nhân dân” – để thấy rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, công nghệ không chỉ là công cụ, mà có thể trở thành “người gác cổng” hiệu quả nhất nếu biết cách sử dụng và phối hợp đúng vai.

Phạm Tài

Tin khác

Pháp luật 30 phút trước
(SHTT) - Sáng ngày 14/6, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.
Pháp luật 33 phút trước
(SHTT) - Phòng An ninh kinh tế (PA04) Công an tỉnh Hưng Yên mới đây đã thành công triệt phá đường dây làm giả thức ăn cho mèo nhãn hiệu Catsrang của Công ty TNHH Fusion Group.
Pháp luật 7 giờ trước
(SHTT) - Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/7/2025, nhiều nhóm đối tượng mới sẽ nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh cá thể (HKD). Dưới đây là các thông tin hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký BHXH lần đầu cho hộ kinh doanh năm 2025.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Chính phủ ban hành Nghị định 120/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh vừa kiểm tra, phát hiện, tạm giữ hơn 6.300 bao thuốc lá không có nguồn gốc xuất xứ tại 2 kho hàng trên địa bàn TP. Nha Trang.
. ..