SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Bình Dương khôi phục, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

16:42, 31/05/2022
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang gặp muôn vàn khó khăn khi người làm nghề giảm mạnh, hàng hoá bị cạnh tranh khắc nghiệt. Để “giải cứu”, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch đầu tư bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch.

Ngày xưa, ở làng Tương Bình Hiệp, những người có tay nghề sơn mài rất được coi trọng, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao, nghề sơn mài ở đây là cách để nghệ nhân nối nghiệp, gìn giữ văn giá trị hoá truyền thống của cha ông.

Thời điểm vàng son, làng Tương Bình Hiệp có đến gần 90% người dân làm nghề, sống bằng nghề sơn mài.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang mai một

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp bị mai một đến đáng báo động về quy mô, số lượng cũng như chất lượng.

z3453342832403_d026fa5e511c1d8b6490f01d92855ec9

 Cơ sở sản xuất ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp gặp nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Hiện làng nghề chỉ có 36 hộ, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh sơn mài, trong đó có 9 doanh nghiệp và 27 hộ, cơ sở nhỏ lẻ. Với 297 người/13.638 người tại Tương Bình Hiệp (chiếm 2,18%) làm nghề sơn mài thì có 233 người là lao động chính và thường xuyên, 64 người là lao động thời vụ và học nghề. Làng nghề có 4 người được công nhận là nghệ nhân ưu tú.

Tổng doanh thu năm 2019 từ sơn mài của làng nghề trung bình năm là 24 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp và cơ sở là 18 tỷ đồng. Thu nhập trung bình 6,5 - 7 triệu đồng/lao động/tháng.

Tuy nhiên, năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh, xuất khẩu khó khăn.

Theo nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương), so với những năm trước đây, sơn mài ở Tương Bình Hiệp giảm mạnh.

“Làng Tương Bình Hiệp hiện nay có rất ít nghệ nhân, người làm nghề sơn mài và đầu ra sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn.

z3453342834605_687be4bd359c87c86ac2d449049a193f

Nghệ nhân theo nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp giảm mạnh. 

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, dẫn tới lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh; xu hướng tiêu dùng khách hàng thay đổi; giá trị hàng hoá ngày càng cao; hàng sơn mài bị cạnh tranh bởi những mặt hàng giá rẻ, sản xuất bằng máy móc công nghiệp… Mặt khác, ở Bình Dương công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu lao động lớn thu nhập lại cao nên nhiều người chọn hướng đi mới”, nghệ nhân Lê Bá Linh chia sẻ.

Nghệ nhân này cho biết, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một, xoá sổ.

Vì vậy, để gìn giữ, khôi phục và phát triển làng nghề này cần phải có đề án, hoạch định đầu tư rõ ràng.

“Bảo tồn phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là cần thiết nhưng phải có hướng đi đúng, chính sách đúng và có sự hỗ trợ của nhà nước.

Song song đó, các doanh nghiệp có sự đóng góp nhiệt tình, đồng lòng với mục tiêu đưa sản phẩm sơn mài phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Người làm sơn mài còn phải có tư duy mới và sáng tạo để thay đổi từ kiểu dáng đến chất liệu sản phẩm nhưng vẫn giữ được chất lượng, tiêu chuẩn hoá sản phẩm để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Ngoài ra, phải quảng bá tranh sơn mài truyền thống để gìn giữ, nâng giá trị để có nhiều người mua tác phẩm”, nghệ nhân Lê Bá Linh đề xuất.

Bảo tồn và phát triển làng nghề kết hợp với du lịch

Để bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài, giúp làng nghề phát triển, tháng 3/2020, đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt; tháng 10/2020, đề án được công bố.

Mục tiêu đề án là xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề. Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Theo Chi cục phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương), đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch có tổng kinh phí là 105 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 70 tỷ đồng).

z3453342820876_ea12ae20b3aeed301e8ccfe703997a43

 Nghệ nhân Trần Thiện Tâm - người hiếm hoi trong làng nghề vẫn theo đuổi dòng tranh truyền thống sáng tác.

Đề án thực hiện trên diện tích khoảng 5,4ha tại phường Tương Bình Hiệp. Trong thời gian 4 năm (2020-2023), đề án sẽ triển khai xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung có đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, đào tạo nghề, dịch vụ du lịch… 

Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, việc UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp khiến những người làm nghề hết sức phấn khởi và đầy kỳ vọng.

Đây là cơ hội để làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu sẽ được gìn giữ, khôi phục và phát triển. Đồng thời giúp các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài có điều kiện phát triển, cải thiện cuộc sống.

z3453342846720_23ac7945f795f47cfcaf0e4449978857

 Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương chia sẻ nghề làm tranh sơn mài ở làng Tương Bình Hiệp. 

Gần 40 năm bám theo nghề, nghệ nhân Trương Quang Tịnh (chủ cơ sở sơn mài Định Hòa) chia sẻ đề án là niềm mong mỏi của các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài ở làng Tương Bình Hiệp bấy lâu nay.

“Nhìn những giá trị văn hoá của cha ông một thời là đỉnh cao của nghệ thuật bị mai một, xuống cấp khiến chúng tôi không khỏi xót xa, tiếc nuối. Đề án sẽ đem lại sức sống mới cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”, nghệ nhân Trương Quang Tịnh kỳ vọng.

“Tôi làm nghề này đã gần 15 năm nhưng chưa bao giờ thấy sơn mài gần với lằn ranh bị xoá sổ như vậy. Với đề án bảo tồn phát triển sơn mài của thành phố, tôi hi vọng sẽ có một nơi để phát triển, thể hiện tay nghề và cải thiện cuộc sống hơn”, nghệ nhân Trần Thiện Tâm - người hiếm hoi trong làng nghề vẫn theo đuổi dòng tranh truyền thống chia sẻ.

Quang Hải – Hoàng Hải - Thanh Nga

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 24/4, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Thanh Trì và Công an Thành phố vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc hành hung nhà báo tác nghiệp tại huyện Thanh Trì.
Tin tức 11 giờ trước
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn khó đáp ứng được những tiêu chí khắt khe trong khi nhóm 3 đối tượng vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đứng trước cơ hội nắm được “phao” vốn khơi thông điểm nghẽn nguồn lực.
Tin tức 12 giờ trước
Hội Nữ trí thức Việt Nam – Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp phối hợp trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng - khai mạc lớp tập huấn về “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ thành công".
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 24/4, Triển lãm Quốc tế lần thứ 6 về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục Tài nguyên Khoáng sản và Xây dựng Việt Nam - Mining Vietnam 2024 đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội.