SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bác sĩ đưa ra cảnh báo khi số ca mắc chân tay miệng gia tăng

11:00, 15/06/2022
(SHTT) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong thời gian gần đây khi số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn thành phố giảm thì số mắc tay chân miệng lại tăng.

Ngày 14/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó). Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là Sóc Sơn (21); Mê Linh (18); Chương Mỹ (17); Đống Đa (16); Thanh Trì (15); Đông Anh (12); Ba Vì (11).

Số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6/2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố ghi nhận 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

ThS.BS. Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết: “Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nóng, quấy khóc, nổi ban, phỏng nước trên da, kém ăn, bỏ bú, … Sau đó bệnh chuyển giai đoạn toàn phát, bắt đầu là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng (thường ở mặt trong má, mặt trên của lưỡi).

Các phỏng nước có kích cỡ lớn, nhỏ tùy vị trí nằm trên một nền niêm mạc đỏ. Các phỏng nước trong miệng thường dập vỡ nhanh, tạo ra các vết trợt, loét rất đau, làm bệnh nhân khó ăn uống. Sau đó, phỏng nước xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, đôi khi cả trên người. Chúng tồn tại trong vòng 7 - 10 ngày rồi xẹp xuống, mất đi và không để lại sẹo. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bởi vậy, khi trẻ tiếp xúc với người bệnh, sàn nhà, đồ chơi, thực phẩm nhiễm vi rút rất dễ bị bệnh này. Dù là bệnh lành tính nhưng một số trường hợp các biến chứng thường diễn biến nhanh có khả năng gây tử vong cao như viêm màng não, viêm não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp,…

Sẵn sàng cho công tác tiếp đón, điều trị bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng, Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, bố trí khu vực khám, phương tiện để tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng.

Bệnh chân tay miệng có thể lây qua
Số ca mắc chân tay miệng đang gia tăng. Ảnh minh họa

BSCKII. Nguyễn Thái Minh – Phó chủ nhiệm Chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Đống Đa khuyến cáo: “Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng để bảo vệ sức khỏe bản thân, trẻ em như vệ sinh cá nhân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em).

Đặc biệt, các bậc phụ huynh trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Các gia đình cần sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phụ huynh phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; không tiếp xúc với người bệnh/người nghi ngờ mắc bệnh.

Đặc biệt, thời điểm này, các cháu đang được nghỉ hè nên các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe cho các cháu tránh tiếp xúc nguồn bệnh, nếu có các triệu chứng nốt phỏng vùng lòng bàn tay, chân, trẻ có thể kích thích, quấy khóc, ăn kém do các nốt viêm loét trong miệng gây đau... cần tránh tiếp xúc với các trẻ khác trong gia đình, hàng xóm. Đối với trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe cho trẻ nếu có các biểu hiện triệu chứng tiến triển của bệnh, đặc biệt các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, rung giật cơ, thậm chí co giật... cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”...

Quỳnh Anh

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 7 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 7 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.