SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bác Hồ với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

10:57, 21/06/2021
(SHTT) - Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã viết văn, làm thơ, viết báo để phục vụ mục đích cao cả và duy nhất, đó là đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên mặt trận ngôn luật để công khai đấu tranh khi hoạt động ở Pháp, để tuyên truyền cách mạng khi ở Liên Xô, Trung Quốc và khi đã về nước, Người coi đó là phương tiện để kêu gọi động viên khích lệ đồng bào đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi trên cương vị chủ tịch nước, chủ tịch Đảng, ngòi bút của Người càng trở nên sắc bén hơn trong đấu tranh với kẻ  thù. Những lời dăn dạy của Người, sự quan tâm, chỉ đạo các cấp các ngành thông qua các bài viết của Người càng phong phú và đa dạng hơn. Đúng như nhà thơ Sóng Hồng từng nói “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

chu tich ho chi minh

 Các đại biểu dự Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ III đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tại câu lạc bộ Đoàn Kết- Hà Nội 

Trong sự nghiệp báo chí của mình, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo với trên 100 bút danh khác nhau. Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí. Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Bác đã tự học tiếng Pháp và học làm báo. Bởi từ thực tiễn đấu tranh, Người nhận thấy cần phải học viết báo để tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Những ngày đầu, Bác được Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí. Ban đầu Bác chỉ viết những mẩu tin ngắn, từ vài dòng đến một cột báo. Mỗi mẩu đều chép làm 2 bản, 1 gửi báo, 1 giữ lại để được đăng thì so lại xem mình sai chỗ nào, được sửa ra sao. Báo đăng tin đầu tiên Người rất sung sướng, đó là niềm vui thứ nhất.

Khi đã quen viết những mẩu tin ngắn tới mươi dòng, anh bạn lại khuyến khích: - Viết tốt đấy thử kéo dài ra thành một bài nhỏ 2,3 cột xem sao… Người rút kinh nghiệm kéo dài bài viết, chọn các tình tiết quan trọng, chính yếu để tôn lên sức sống hấp dẫn của chủ đề. Một thời gian sau đang “kéo dài” anh bạn lại yêu cầu “rút ngắn”. Chà, rút ngắn cũng khó chẳng khác gì kéo dài. Người phải đếm một trang mấy cột, 1 cột mấy dòng, 1 dòng mấy chữ - cứ thế anh chủ động viết dài, ngắn theo “đặt hàng” của tờ báo và vấn đề cần phải diễn đạt. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, đúng với tính cách một bài báo, là bài “Vấn đề dân bản xứ”, đăng báo L’Humanité, ngày 2/8/1919.

Năm 1921, Bác (lấy tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số nhà hoạt động cách mạng Á, Phi, Mỹ la tinh: Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo: Vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút, quản lý, phóng viên, phát hành...

Trong khoảng thời gian từ năm 1919 - 1926, Bác đã viết hàng trăm bài báo phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất, trong đó có những tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam được tập hợp trong 2 cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường kách mệnh (1927).

chu tich hcm

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng làm việc trên tầng 2 nhà sàn (1960)

Chính hoạt động báo chí sổi nổi đó đã giúp đưa Người đến với Lênin. Bởi người liên tục theo dõi các sự kiện chính trị xã hội trên các báo ra hàng ngày, đặc biệt Người quan tâm hơn cả là vấn đề Lênin và cách mạng tháng Mười Nga. Chính vì thế, trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo Nhân đạo đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin (được gọi tắt là Sơ thảo luận cương) với tiêu đề chạy suốt cả trang báo đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc. Đọc Sơ thảo luận cương của Lênin là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Vì vậy, cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô hoạt động và bắt đầu viết báo bằng tiếng Nga.

Phần lớn các bài của Bác dành cho chủ đề đế quốc Pháp và nạn nhân là xứ Đông Dương. Bác còn viết các bài nghiên cứu về tình hình ở Trung Quốc, Ấn Độ và về nước Nga Xô Viết. Sau khi Quốc tế nông dân ra đời, Bác đã viết bài cho tạp chí Krestiansklii International của tổ chức này về tình cảnh nông dân ở Việt Nam, ở Bắc Phi, Tuynidi, Trung Quốc, Palestin… Năm 1940, Bác bắt đầu viết cho tờ Cứu Vong nhật báo của Đảng Cộng sản Trưng Quốc. Từ khi Bác được bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Quảng Châu để hoạt động, Bác bắt đầu chỉ đạo báo Thanh Niên của Hội Việt Nam Cách mệnh thanh niên. Đây là ngọn cờ tiền phong của báo chí cách mạng Việt Nam. Số đầu tiên của báo Thanh Niên ra ngày 21/6/1925. Nay chúng ta lấy ngày này là ngày truyền thống của báo chí Cách mạng Việt Nam. Bác đã trực tiếp chỉ đạo suốt 88 số báo Thanh Niên.

chu tich hcm1

Bác ngồi đọc báo 

Năm 1941, Bác bí mật về nước xây dựng cơ sở ở vùng Cao Bằng và triệu tập Hội nghị BCH Trung ương Đảng vào tháng 5/1941. Bác bắt đầu chỉ đạo việc sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập. Về sau Bác kể lại rằng: “Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tầm bia đá, rồi mài mặt mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái.

Mấy số báo đầu ba bốn anh em cùng làm nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và rất xấu. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số.

Sau Cách mạng tháng Tám sau 33 số Cờ Giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng ta chủ trương chuyển vào hoạt động bí mật và quyết định xuất bản báo Sự thật. Đã tìm thấy 26 bài Bác viết cho báo Sự Thật với các bút danh là A.G, X.Y.Z, L.T, Lê Nhân, T.L.

Báo Nhân Dân ra đời sau Đại hội II của Đảng (tháng 02/1951). Trên các báo này của Đảng, Bác thường xuyên viết bài. Riêng trên báo Nhân Dân Bác đã viết cả thảy 1.205 bài với nhiều bút danh khác nhau. Riêng với bút danh C.B., Bác đã viết tới 706 bài. Sáng sớm mỗi ngày bác đều đọc kỹ lưỡng cả 4 trang của tờ báo Nhân Dân và dùng bút chì màu đánh dấu vào các bài cần chú ý, cần đọc lại, cần nhận xét, phê bình, khen ngợi, kể cả đối với ảnh và tranh minh họa.

Vì mục đích rõ ràng nên Bác không ngừng rèn luyện cách viết, không ngừng nâng cao trình độ. Bác nhiều lần truyền đạt lại kinh nghiệm viết báo của mình cho các nhà báo trẻ tuổi. Bác đã nói tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm…”.

Chính vì vậy, tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962), Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà bấy giờ: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng...”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta...”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng...”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau...”, “Lộ bí mật - có khi quá lố bịch...”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng...”.

Nói về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, Bác khẳng định: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”. Bác căn dặn: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể Đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

Bác giải thích: - Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại nói quá dễ dàng tưởng để động viên, hóa ra khi dân thấy sự thật không phải như thế, thì dân không tin nữa, không xem báo nữa. Báo không còn tác dụng gọi là báo “Lá cải” vì nó không có giá trị gì bằng lá rau cải… Muốn viết trung thực phải nghiên cứu, suy ngẫm nên viết cái gì, viết như thế nào, rồi sau đó hỏi thêm ý kiến nhiều người. Phải nhớ rằng viết khó hơn nói nhiều vì trên giấy trắng mực đen lại phải phổ biến nhiều bản, lưu giữ lâu dài, do vậy càng phải thận trọng… Bác chốt lại: - Phải viết sự thật bằng cái đầu của mình. Mà phải là sự thật…

Với “sự nghiệp” hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, tác giả của hàng nghìn bài viết với hàng trăm bút danh khác nhau đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước, bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh..., với chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong vừa độc đáo vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá cho các thế hệ báo báo chí nước nhà ngày hôm nay. Và học tập Bác từ những điều nhỏ nhất đó chính là tự soi mình mỗi khi ngồi dưới trang giấy đặt ngòi bút “Viết cho ai xem? Viết để làm gì”?.

Lường Linh_ Bích Ngọc

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Sáng 19/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, UBND Thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2024.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tin tức 4 giờ trước
Lần đầu tiên, các đặc sản của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có cơ hội được các doanh nghiệp khách sạn, các resort Đà Nẵng bao tiêu đầu ra, hỗ trợ đào tạo nhằm cải thiện thu nhập cho người dân.
Tin tức 4 giờ trước
Các chuyên gia quốc tế Trường Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) vừa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 2.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 (VCA 2024). Theo đó, giải thưởng năm nay sẽ trở lại với hạng mục mới và nhiều điểm mới trong thể lệ dự thi.