SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Bắc Giang: 4 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

06:38, 18/09/2018
(SHTT) - Bắc Giang là 1 trong những tỉnh có số lượng nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ nhiều nhất trên cả nước. Đáng chú ý, 4 sản phẩm nông sản là vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ tại nước ngoài.

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 7 nước

Vải thiều vốn là đặc sản của vùng Lục Ngạn nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung. Quả vải thiều khi chín có màu đỏ, hạt nhỏ, cùi dày nhiều nước, rất ngọt và giàu chất dinh dưỡng. Cùng giống vải nhưng vải thiều được trồng trên đất Lục Ngạn thì trái vải có màu đỏ tươi, nhiều cùi, hạt nhỏ, ngọt sắc hơn những vùng khác. Chính vì vậy vải thiều Lục Ngạn được rất nhiều người ưa thích, cây vải cũng đã đem lại giá trị kinh tế rất cao, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

vai luc ngan

 

Để sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được nhiều người biết đến và cũng để xuất khẩu ra nhiều quốc gia nên Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài đối với sản phẩm này tại 7 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia.

Đây được xem là cơ hội lớn để sản phẩm vải thiều Lục Ngạn có thể tăng giá trị xuất khẩu, từ đó giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Mỳ Chũ, mỳ Kế Bắc Giang ngày càng được nâng cao giá trị

Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn - nơi có trên 300 hộ sản xuất mỳ gạo, chiếm tới 85% số hộ. Trong đó, hơn 100 hộ tham gia Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất gần 30 tấn mỳ gạo, thu gần 8 tỷ đồng mỗi năm.

Mỳ Chũ được sản xuất 100% từ loại gạo nổi tiếng thơm dẻo - gạo bao thai hồng. Để có sợi mỳ dai, ngon, trắng, dẻo, người sản xuất phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch từ khâu chọn, vo, ngâm gạo đến xay bột, phơi và chần bánh. Phải chọn những hạt gạo trắng trong, căng mẩy, nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm nước trong khoảng 8 giờ, sau đó xay nhuyễn, lọc nhiều lần và ủ qua một đêm. Sáng hôm sau, những người thợ đem bột đã ủ ra tráng bánh, đóng vào khuôn, phơi và cắt thành sợi.

my chu bac giang

 

Còn mỳ Kế được sản xuất tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, cũng với quy trình cầu kỳ không kém. Người sản xuất chỉ dùng gạo Khang dân hoặc gạo Bông hồng, nước sạch và dầu ăn làm nguyên liệu. Gạo được ngâm khoảng 1 giờ rồi vo, đãi trước khi dùng sản xuất mỳ. Mỳ sau khi được cán, cắt thành sợi phải đem phơi dưới nắng to để sợi mỳ ngon và thơm mùi gạo.

Từ năm 2009, Sở KH&CN Bắc Giang triển khai dự án “Xây dựng và đề xuất hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể Mỳ Chũ”. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho Hội Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ quản lý. Năm 2013, cục cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mỳ Kế”. Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mỳ Chũ” và "Mỳ Kế" tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia.

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với cả khách hàng và nhà sản xuất và cần bảo hộ cả ở thị trường nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ không chỉ giúp phát triển sản phẩm đó mà còn góp phần xây dựng thương hiệu của vùng có nông sản. Đây cũng là cách bảo vệ nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh.

Gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu

Năm 2013, gà đồi Yên Thế được trao cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á” - ASEAN Best Food, tại Singapore. Mới đây, gà đồi Yên Thế lại được trao văn bằng bảo hộ tại 3 quốc gia là Lào, Trung Quốc, Singapore.

Bắc Giang hiện có khoảng 18 triệu con gà, sản lượng hơn 34 nghìn tấn, riêng huyện Yên Thế có 14 triệu con với sản lượng từ 24-28 nghìn tấn, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 10-12 triệu con và là một trong những địa phương có tổng đàn gà lớn nhất cả nước.

ga doi yen the

 Ảnh: Khoa học và Phát triển

Gà đồi Yên Thế là giống gà lai từ gà mía và gà ri với đặc điểm lông màu vàng nhạt, có chút đốm đen dọc theo sống lưng, màu da vàng nâu đậm, mào màu cờ, trọng lượng cơ thể trung bình từ 2,2-2,3 kg, thịt thơm, ngon hơn các giống gà khác. Với những ưu điểm nổi bật đó, năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu và bảo hộ độc quyền cho sản phẩm.

Hiện gà đồi Yên Thế không ngừng được mở rộng, thường xuyên có mặt tại các chợ đầu mối lớn tại 18 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Bắc Ninh… chiếm thị phần lớn hơn cả.

Minh Vân (t/h)

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc cho thấy cam kết của quốc gia này trong việc chống lại việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu.
Tài sản trí tuệ 4 ngày trước
(SHTT) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 02 tháng.
Tài sản trí tuệ 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Cà rốt Lương Tài” (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Chả cá Thanh Khê lâu nay luôn được biết đến như một món ngon không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thăm Đà Nẵng. Nhằm phát huy những giá trị thương mại của món ăn đặc sản này, hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho làng nghề và sản phẩm chả cá Thanh Khê.