SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Asanzo nói gì về kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan?

07:14, 07/09/2019
(SHTT) - Liên quan đến kết quả kiểm ra xác minh của Tổng cục Hải quan, đại diện Asanzo, ông Phạm Văn Tam ngay sau đó đã lên tiếng.

 Hải quan công bố kết quả xác minh 58 công ty liên quan Asanzo

Trước đó, Tổng cục Hải quan vừa có thông cáo báo chí về vụ việc của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam.

Theo thông báo này, Tổng cục Hải quan cho biết: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5546/VPCP-V.I ngày 24/6/2019 về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan tại một số công ty có liên quan.

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2019 sửa đổi bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có Biên bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ(C3) ngày 15/8/2019 gửi công ty.

asanzo-noi-gi-ve-ket-qua-kiem-tra-cua-tong-cuc-hai-quan

 

Ngày 27/8/2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh về nội dung trên. Theo đó, tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Cụ thể, báo cáo của cơ quan chức năng cho biết, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Các công ty này bao gồm: Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Điện Tử Asanzo Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.

Kiểm tra, xác minh, cơ quan hải quan đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Qua tra cứu trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế và kết quả xác minh tại UBND Phường nơi đăng ký địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm nơi thuê văn phòng, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của các công ty như sau: có 14 công ty bỏ trốn; 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh; 7 côngg ty ngừng hoạt động; 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; 32 công ty đang hoạt động. Theo thực tế kiểm tra, xác minh tồn tại tình trạng công ty treo biển nhưng không có hoạt động; địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật; một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Và có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.

Liên quan đến việc khởi tố vụ án buôn lậu đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh, Tổng cục Hải quan cho biết qua điều tra, xác minh đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án "buôn lậu" về việc công ty khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện toàn bộ hàng hóa bên trong container là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035; toàn bộ lò nướng trong container không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ. Hiện cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” đối với công ty này.

Về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, Tổng cục Hải quan thông tin từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, công ty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu 171.636.719 đồng.

Mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp ti vi, cáp tín hiệu, lô go bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu ti vi;… Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 01 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc, số lượng 05 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng.

Asanzo nói gì?

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Tam cho biết, đối với các cty có mối quan hệ làm ăn cùng Asanzo, việc xác minh cần đánh giá đang hoạt động hay dừng, có nợ thuế hay vi phạm gì không? Việc sử dụng từ “bỏ trốn” là không đúng và có thể gây hiểu nhầm.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định, đó chỉ là những công ty đối tác, họ làm ăn xong nghỉ thì là chuyện của người ta. Đồng ý là việc xác minh không thấy họ hoạt động nữa thì là do nghỉ thôi, quan trọng là kiểm tra xem họ có nợ thuế hay không? Nếu các cty đang hoạt động lại nghỉ mà nợ thuế mới có thể gọi là bỏ trốn, ở đây chỉ là không làm nữa thôi sao lại quy kết như vậy?” ông Tam bức xúc.

Ngoài ra, ông Tam thông tin thêm, việc Tổng cục Hải quan đưa ra kết luận không hướng đến những nội dung chính như DN có vi phạm các quy định sau thông quan, có buôn lậu, trốn thuế hay không? Khiến những nghi vấn liên quan đến thương hiệu Asanzo chưa được sáng tỏ, có thể gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

“Việc của hải quan là kiểm tra hàng hóa sau thông quan, có phải hàng lậu, có trốn thuế hay không? Chúng tôi đã làm việc về vấn đề hàng hóa sau thông quan suốt 2 tháng trời và nhận được kết luận là không có dấu hiệu vi phạm.

Kết luận đã gửi cho DN, chúng tôi đã rất mừng và hy vọng hải quan sẽ công bố kết luận đó. Nhưng sau đó, phía Tổng cục Hải quan lại đưa ra những thông tin như vậy trong khi những kết luận chính về Asanzo là không vi phạm lại không công bố.” ông Tam nói.

Cũng theo ông Phạm Văn Tam, trong thời gian tới, tập đoàn Asanzo sẽ tổ chức họp báo, đính chính thông tin để người tiêu dùng nắm rõ toàn bộ kết quả của các đoàn thanh tra, kiểm tra cty trong thời gian vừa qua.

Loan Hoàng

Tin khác

Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Tại khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An), Hainan Drinda - nhà sản xuất tấm quang điện tái tạo từ Trung Quốc, sẽ xây nhà máy sản xuất pin mặt trời 450 triệu USD.
Kinh tế 8 giờ trước
(SHTT) - Theo nghiên cứu của IDC, với việc khảo sát hơn 2.100 doanh nghiệp với tổng số hơn 13 triệu nhân viên tại 16 quốc gia trên toàn cầu cho thấy: mỗi đô la đầu tư vào AI, các công ty sẽ thu về lợi nhuận trung bình là 3,5 đô la đến 8 đô la.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.