Apple hợp tác cùng Ericsson giải quyết cuộc chiến bằng sáng chế
Được biết, những thỏa thuận giữa Apple và Ericsson bao gồm cấp phép chéo liên quan đến các công nghệ di động thiết yếu được cấp bằng sáng chế và cấp một số quyền sáng chế khác.
Không chỉ vậy, hai "ông lớn" làng công nghệ này đã cùng đồng ý tăng cường hợp tác công nghệ và kinh doanh, bao gồm cả phát triển công nghệ, khả năng tương tác và xây dựng tiêu chuẩn.
Như vậy, thỏa thuận này giúp chấm dứt các vụ kiện do cả hai công ty đệ trình ở một số quốc gia, bao gồm cả tại Tòa án cấp quận Hoa Kỳ của quận phía Đông Texas cũng như các khiếu nại được đệ trình lên Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC).
Có thể thấy, hai công ty có một lịch sử lâu dài trong cuộc chiến về công nghệ di động. Năm 2015, Apple đã kiện Ericsson để có được các điều khoản có lợi hơn cho các bằng sáng chế LTE, nhưng Ericsson đã phản ứng bằng một vụ kiện của riêng mình tuyên bố iPhone và iPad đã vi phạm các ý tưởng đã được cấp bằng sáng chế của họ. Hai công ty đã đạt được thỏa thuận hợp tác kéo dài 7 năm.
Tuy nhiên, khi thời điểm thỏa thuận sắp hết hạn, sự thù địch lại quay trở lại. Vào tháng 1/2022, công ty viễn thông Ericsson đã kiện Apple về tranh chấp phí bằng sáng chế không dây 5G. Ericsson tiết lộ với giới truyền thông rằng do thỏa thuận trước đó đã hết hạn nên hãng không thể đạt được thỏa thuận về các điều khoản và phạm vi của giấy phép bằng sáng chế mới.
Điều này có nghĩa Apple sử dụng công nghệ của Ericsson mà không có giấy phép. Ericsson đã nói rõ mức phí bản quyền mà hãng muốn tính trong một lần nộp hồ sơ gần đây. Hồ sơ cho thấy Ericsson sẵn sàng tiếp tục cung cấp cho Apple mức phí đa chế độ 5G đã công bố là $ 5 cho mỗi điện thoại (chiết khấu khi đăng ký sớm).
Ericsson cho biết, “Apple lần đầu tiên được cấp phép cho các bằng sáng chế thiết yếu 2G và 3G của Ericsson vào năm 2008 khi hãng phát hành chiếc iPhone đầu tiên. Vào năm 2015, Apple và Ericsson đã thực hiện một giấy phép chéo toàn cầu khác, bao gồm các bằng sáng chế của cả hai bên liên quan đến các tiêu chuẩn mạng 2G, 3G và 4G. Khi giấy phép đó hết hạn, Apple không còn được cấp phép cho các bằng sáng chế thiết yếu của Ericsson nữa”.
Đơn kiện đầu tiên bao gồm 4 bằng sáng chế, trong đó có bằng sáng chế “355” liên quan đến “truyền thông tin hệ thống trên kênh chia sẻ tải về”. Trong khi đó, đơn kiện thứ hai bao gồm 8 bằng sáng chế, trong đó bằng sáng chế “454” liên quan đến chuyển vùng mạng WAN và LAN.
Các vụ kiện này không thể được đưa ra cho đến khi giấy phép hết hạn, nhưng chúng không phải là biện pháp pháp lý đầu tiên mà Apple hoặc Ericsson sử dụng. Vào tháng 10/2021, Ericsson cũng đã khởi kiện Apple với mục đích ngăn công ty nộp một vụ kiện bất ngờ nhằm cố gắng làm giảm giá trị các bằng sáng chế bằng cách cho rằng chúng không cần thiết. Sau đó Apple kiện Ericsson vào tháng 12/2021, cáo buộc công ty đang sử dụng “chiến thuật mạnh tay” trong các cuộc đàm phán về bằng sáng chế của mình.
Còn ở thời điểm hiện tại, doanh thu cấp phép sở hữu trí tuệ (IPR) của Ericsson tiếp tục bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế đã hết hạn đang chờ gia hạn, sự chuyển đổi công nghệ từ 4G sang 5G và các tác động tiền tệ cũng như tác động địa chính trị có thể xảy ra trong tương lai.
Những tác động của thỏa thuận với Apple về doanh số bán hàng từ ngày 15/1/2022 và bao gồm cả hoạt động kinh doanh IPR đang diễn ra với tất cả những đơn vị được cấp phép khác, Ericsson ước tính doanh thu từ giấy phép IPR trong quý 4 năm 2022 sẽ là 5,5 - 6,0 tỷ SEK.
Christina Petersson, Giám đốc sở hữu trí tuệ tại Ericsson cho biết: "Chúng tôi rất vui khi giải quyết các vụ kiện tụng với Apple bằng thỏa thuận này. Thỏa thuận này có tầm quan trọng chiến lược đối với chương trình cấp phép 5G của chúng tôi. Điều này sẽ cho phép cả hai công ty tiếp tục tập trung vào việc đưa công nghệ tốt nhất ra thị trường toàn cầu".
Minh Anh