SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Áp lực học hành khiến nhiều học sinh rối loạn tâm thần

22:17, 24/11/2018
(SHTT) - Hiện nay, áp lực học hành, thi cử, mặc cảm gia đình nghèo khó đang là những nguyên nhân dễ dẫn đến rối loạn tâm thần ở học sinh THPT.

Theo TS-BS Đinh Vinh Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115, cho biết: Mới đây, “Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM đã tiếp nhận không ít học sinh (HS) THPT đến khám rối loạn tâm thần (stress, lo âu, trầm cảm)”.

H. (nam sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn quận 10, TP.HCM) vốn thông minh, dí dỏm và luôn được bạn bè quý mến. Tuy nhiên, gần đây H. thường bị mất ngủ, đau đầu, đau nhức cơ thể, chóng mặt, thiếu tập trung trong giờ học, kết quả học tập giảm sút thấy rõ.

Trước tình hình đó, gia đình đã đưa đến BV khám. Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định H. stress khá nặng do phải “nhồi nhét” quá nhiều bài vở. Chưa hết, áp lực kỳ thi cuối cấp và kỳ thi THPT quốc gia cũng là nguyên nhân đẩy H. rơi vào tình trạng trên.

 

BS Quang cho biết: “Sau khi tìm được nguyên nhân khiến H. bị stress, bác sĩ đã tư vấn cùng gia đình tháo gỡ những điểm mấu chốt. Sau thời gian ngắn, nếu tình trạng không cải thiện, các bác sĩ buộc phải dùng thuốc”.

Một trường hợp nữa là của M. (nữ sinh lớp 10 một trường THPT trên địa bàn quận 1, TP.HCM).

M bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi nhập học chừng hai tháng. Do hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày M. Đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch, trang phục không được mới, đẹp như các bạn nữ cùng trang lứa. Mặc cảm vì gia cảnh nghèo khó, M. hầu như tách rời bạn bè.

Theo đó, chỉ một thời gian ngắn sau nhập học, M. luôn sống trong trạng thái buồn rầu, nhớ trước quên sau, cáu gắt, dễ nóng giận. Đáng lo hơn, M. thiếu tập trung học hành, luôn nghĩ mình vô dụng, không đáng sống và đã có lúc nghĩ đến cái chết.

Vì lo sợ M. có hành động tiêu cực, gia đình vội đưa M. tới BV để được thăm khám. “M. bị trầm cảm do stress kéo dài. Tình trạng khá nặng nên bác sĩ phải dùng thuốc điều trị” - BS Quang cho biết về sức khỏe của M.

Mới đây, tại hội nghị khoa học do BV quận Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức có đề tài được báo cáo là: “Tỉ lệ các rối loạn tâm thần và yếu tố liên quan ở học sinh THPT tại TP.HCM” do nhóm tác giả Thái Thanh Trúc và Vũ Thị Ly Ly Ngọc (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) nghiên cứu.

 

Theo đó, tháng 5-2018, nhóm đã khảo sát 1.114 HS tại ba trường THPT trên địa bàn TP.HCM, thu được 1.089 phiếu hợp lệ đánh giá các rối loạn tâm thần (stress, lo âu, trầm cảm). Kết quả cho thấy hơn 35% có vấn đề liên quan đến stress, HS có vấn đề liên quan đến lo âu và trầm cảm lần lượt là 59% và gần 39%. Các rối loạn tâm thần ở HS bậc THPT phần lớn dưới dạng kết hợp hai hoặc ba rối loạn với nhau: Trên 24% chỉ bị một rối loạn tâm thần (stress, lo âu hoặc trầm cảm); hơn 20% gặp phải hai vấn đề rối loạn tâm thần (stress và lo âu, trầm cảm và lo âu, stress và trầm cảm); gần 23% mắc cùng lúc stress, lo âu và trầm cảm.

Theo nghiên cứu này thì tỉ lệ HS lớp 12 bị stress và trầm cảm cao hơn HS lớp 10 (lần lượt hơn 1,29 lần và 1,31 lần). Nguyên nhân do HS lớp 12 có khối lượng bài vở lớn, lượng kiến thức tiếp thu nhiều, chưa kể áp lực kỳ thi cuối cấp và kỳ thi THPT quốc gia. Đáng lưu ý, HS cảm nhận kinh tế gia đình ở mức nghèo có tỉ lệ stress cao hơn 1,5 lần so với những em khác.

Còn theo BS Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, HS bậc THPT, nhất là các em lớp 12 do áp lực học hành, thi cử nên dễ bị rối loạn tâm thần. Ban đầu là stress, sau đó đến lo âu và cuối cùng là trầm cảm. Ở mức độ nhẹ, mỗi khi nghĩ tới chuyện học là các em lo lắng, bồn chồn. Khi trầm cảm trung bình, các em thường than thở sao mình lại kém cỏi hơn người khác. Thậm chí có em muốn chết vì học hành cực quá, có em lên kế hoạch tự tử. Ở mức độ nặng sẽ là nghĩ đến cái chết bằng cách này hay cách khác.

BS Khuyên khuyến cáo: “Để ngăn ngừa các em bị rối loạn tâm thần, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con, động viên con học hết mình nhưng đừng quá áp lực về điểm số, học thì học nhưng chơi cứ chơi. Đặc biệt, đừng so sánh sức học của con với người khác, phải hiểu sức học của con ở mức độ nào để tránh đặt ra mục tiêu quá sức”.

Duy Anh

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.