‘Anh cả’ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Đà Nẵng
Thể hiện tinh thần dấn thân phục vụ của đội ngũ y bác sĩ hai màu áo, 199 đang hướng tới phát triển bệnh viện thông minh khi xây dựng và tiên phong thử nghiệm hàng loạt công nghệ số, mới. Từng cách làm cũ được bắt đầu thay đổi từ… một chiến lược xuyên suốt và tư duy dám đột phá của lãnh đạo Bệnh viện 199.
Thêm “trợ lý” bác sĩ thông minh, thêm sự hài lòng của người bệnh
Tiền thân là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho chiến sĩ Công an, Bệnh viện 199 những năm gần đây liên tục có những đổi mới tích cực mang đến nhiều hi vọng cho bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Em Hà Hồng Hiến (20 tuổi, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vừa trải qua một tai nạn đột ngột khi bị trượt té, những mảnh kính vỡ nhọn rơi cắt lìa cánh tay cậu sinh viên ngành công nghệ thông tin. Sau cuộc phẫu thuật nguy cấp cùng nhiều tháng điều trị tại các Bệnh viện cánh tay Hồng Hiến vẫn đơ cứng, mất nhiều chức năng như nắm, duỗi, gập.
Tại bệnh viện 199, em được chỉ định sử dụng máy tập ứng dụng sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, vừa chơi vừa tập đem lại kỳ tích trong mỗi lần điều trị. “Cánh tay đã có cảm giác. Bản thân tôi thấy được niềm vui trong phòng tập khi những bệnh nhân khác phục hồi chức năng chân cũng tiến triển tốt đã ảnh hưởng tích cực tới tinh thần, sự phục hồi của chính mình”, Hiến nói.
Tự đi bộ lên cầu thang tầng 2 để tập vận động, sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh nghề nghiệp cho thấy được những cải thiện rõ rệt trong khả năng di chuyển và sự tỉnh táo. Sau hơn 2 năm từ khi bị liệt nửa người trái sau một cơn nhồi máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường typ2 và rối loạn lipid máu bà Thảo đã tìm lại được cảm giác được đứng trên chính đôi chân mình.
“Tôi được người nhà đưa vào Bệnh viện 199 tập trị liệu, phục hồi chức năng. Nhiều phương pháp máy móc hiện đại như tập vận động, điều trị bằng nhiệt nóng, hệ thống máy VRRS (hệ thống giác quan thực tế ảo có hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo), tập trên máy đi bộ Tradmill. Đặc biệt, máy VRSS cho bệnh nhân vừa tập vận động vừa nhận thức, có cải thiện rất nhiều về trí nhớ, và tự giặt được quần áo để phơi, xếp áo quần, tự chuẩn bị bữa ăn” – bà Thảo vui mừng chia sẻ.
Không chỉ triển khai chuyển đổi số tại chỗ, Bệnh viện 199 còn mang đến cho bà con huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nơi mỗi người dân được xem là một “chiến sĩ” bảo vệ chủ quyền biển đảo được tiếp cận với y tế số. Bệnh viện 199 ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống khám bệnh từ xa ((Telehealth) nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân huyện đảo, cũng là góp phần giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển.
Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân xã An Vĩnh nghe có đoàn bác sĩ Bệnh viện 199 về huyện đảo Lý Sơn nên đến chờ từ sớm. “Tôi đau nhiều bệnh lắm. Trước đây, những khi đau cần chuyển tuyến thường phải đi xa mới khám chữa bệnh được. Giờ đây tuổi già sức yếu, đi lại không dễ dàng gì”, người phụ nữ với dáng gầy lưng khom, vừa chỉ xuống đôi chân đang run run tập bước sau cơn đột quỵ vừa nói.
Trong ký ức của bà Thanh, có những lần bệnh nhân Lý Sơn bị nhiễm trùng uốn ván, đột quỵ, bị tai nạn, sốt xuất huyết cần vào bờ cấp cứu khi cấp bách, lực lượng cảnh sát biển phải hỗ trợ người dân chuyển viện. Khi thời tiết bất thường, những hôm mưa bão, biển động tàu thuyền trên tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ bị cấm hoạt động bệnh nhân rất khó khăn để đến với tuyến trên.
Do đó, tại Lý Sơn năm 2023, Bệnh viện triển khai bước đầu trong xây hệ thống Telehealth trong việc đào tạo, hội chẩn, khám bệnh từ xa mang lại hi vọng xoá bỏ khoảng cách địa lý trong khám chữa bệnh. Tức là, chuyển đổi số sẽ giúp các bệnh nhân ở vùng hải đảo xa trung tâm y tế lớn như Lý Sơn có nhiều cơ hội tiếp cận với khám chữa bệnh hiện đại, giảm chi phí điều trị.
Bác sĩ Phùng Cao Cường, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng – Y học thể thao (Bệnh viện 199), từng cho biết: “Bệnh nhân ở Lý Sơn bị hạn chế rất nhiều về thông tin y tế. Vết thương không được sơ cấp cứu kịp thời, thiếu trang thiết bị do ở xa. Khi tôi tiếp nhận ca mổ, có những trường hợp không can thiệp kịp thời dẫn đến qua giai đoạn “vàng” sơ cấp cứu, để lại tổn thương đáng tiếc cho bệnh nhân. Khi thực hiện chuyển đổi số, nếu người dân có nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ, bệnh viện có thể hỗ trợ giải quyết luôn, chỉ chuyển vào đất liền trong trường hợp bệnh nặng.
Luôn đổi mới và chấp nhận những thử nghiệm là những lời mà TS. BS Quách Hữu Trung – Giám đốc Bệnh viện 199 - nhắc lại nhiều lần mỗi khi đưa những công nghệ tiên tiến về để giới thiệu, thảo luận tại Bệnh viện. “Nếu phù hợp thì chúng ta sử dụng phục vụ cộng đồng, còn không phù hợp thì thôi nhưng quan trọng là không ngại thử”, Giám đốc Bệnh viện 199 bày tỏ.
Chính tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Bệnh viện 199 góp phần tạo nên bước nhảy ấn tượng của đơn vị hiện nay.
Tạo mới để… “nới cũ”
Ông Trần Việt Hùng, Bộ phận Công nghệ thông tin – Bệnh viện 199 là một trong những cán bộ luôn có những ý tưởng, đề xuất hay trong quá trình triển khai chiến lược chuyển đổi số tại Bệnh viện 199.
Nhớ lại cách đây hơn 9 năm, khi chuyển đổi số vẫn còn là một khái niệm mới được nhiều người nhắc đến song chưa phổ biến, ông Hùng cho biết: “Khoảng năm 2015, có một lần tôi chứng kiến việc một bà mẹ chở con đến hiệu thuốc để tranh cãi với dược sĩ vì mua nhầm thuốc. Nguyên nhân là do chữ bác sĩ kê đơn rất xấu nên bà mẹ đã mua nhầm thuốc cho con”.
Bộ phận Công nghệ thông tin sớm triển khai phần mềm đơn thuốc điện tử để giảm thiểu sai sót. Từ viết tay sang đánh máy phải thay đổi cả một quy trình cùng với thay đổi tư duy của những bác sĩ cũng thách thức.
Theo ông Trần Việt Hùng: “Ban đầu các bác sĩ lớn tuổi phản ứng bởi có những bệnh tìm không thấy trên phần mềm khi họ quen tìm theo tên địa phương, hay lúc trước họ chỉ cần nhớ tên viết tắt của thuốc rồi dược sĩ phải dịch. Bác sĩ thế hệ 6x phải nhớ những điều như vậy họ cho là khó. Khoảng 6 tháng đầu làm quen từ từ, khi vận hành ổn chỉ cần phần mềm có sự cố 15 – 20 phút thì các bác sĩ cũng sẽ ngại phải sử dụng quy trình cũ viết tay. Họ thích ứng và không muốn làm lại cách làm cũ”.
Những công việc chuyển đổi số đi từ đơn giản đến phức tạp. Mới đầu bộ phận công nghệ thông tin phải đi giải thích cho từng bộ phận. Ít ai biết rằng, để tinh giản thời gian và công sức cho nhiều người, trong quá trình chuyển đổi đó, sẽ phải có những người đầu tiên làm những việc bình thường 5 phút lên thành 10 phút mới xong một đầu việc. Họ chỉ làm thêm 5 phút nhưng giảm lượng thời gian từ 1-2 giờ cho các khoa phòng, lãnh đạo nhất là công tác thống kê, báo cáo, tài chính.
Những nỗ lực miệt mài của Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Bệnh viện 199 trong công tác chuyển đổi số y tế thời gian qua đã bước đầu gặt được ‘quả ngọt’.
Hiện nay, Bệnh viện 199 đang phát triển theo mô hình Platform, xây dựng một “hệ sinh thái” công nghệ bằng cách kết nối nền tảng hiện có với các công cụ, nhóm, dữ liệu và quy trình bên ngoài. Phát triển và ứng dụng những công nghệ hiện đại, điển hình như: Phần mềm quản lý bệnh viện HIS; Hệ thống xử lý hình ảnh PACS; Phần mềm hội chẩn trực tuyến; Phần mềm quản lý công văn Edoc được phát triển và đăng ký Quyền sở hữu trí tuệ hoạt động rất hiệu quả và đã chuyển giao cho 20 Bệnh viện trong cả nước.
Bên cạnh đó, Bệnh viện 199 còn tiếp tục triển khai phần mềm nguồn mở iTiTan (tích hợp dữ liệu) Data lakeHouse và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh Vinbrain (Xquang ngực). Ứng dụng giải pháp AI Call Cloud – Chăm sóc khách hang. Ứng dụng AI WayMed endo trong nội soi. Ứng dụng AIviCam™ - Camera AI VinBrain..v.v.
Từ “bậc thang” đầu trong chuyển đổi số này, Bệnh viện 199 được Bộ Công an chọn làm chỉ đạo tuyến trong công tác chuyển đổi số trong y tế Công an nhân dân cho 14 đơn vị y tế cơ sở.
Đại úy Trần Văn Thức – Bệnh xá Phó Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Bệnh xá đã phối hợp Bệnh viện 199 thực hiện thí điểm triển khai mô hình “Y tế cơ sở trong quản lý, khám chữa bệnh” theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện, cài đặt phần mềm khám, chữa bệnh mới, thực hiện kết nối với Bệnh viện 199 nên rất thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh”.
Nguồn nhân lực số có vai trò then chốt trong chuyển đổi số quốc gia. Việc tôn vinh các lãnh đạo và đơn vị chuyển đổi số là nguồn động viên, khích lệ quý giá cho công cuộc chuyển đổi số đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
Ông Nguyễn Viết Toàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng - cho biết Bệnh viện 199 luôn là đơn vị tiên phong tại Đà Nẵng trong ứng dụng các công nghệ mới, các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Có thể xem Bệnh viện 199 xứng đáng là người “Anh cả” trong lĩnh vực chuyển đổi số y tế tại TP Đà Nẵng”.
Vừa cuối tháng 10/2024, Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung được xướng danh tôn vinh là một trong 15 lãnh đạo chuyển đổi số. Ông cũng là lãnh đạo chuyển đổi số của bệnh viện công duy nhất tại Việt Nam nhận chứng nhận Giải thưởng do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam, CLB CEO & CIO tổ chức. Phần thưởng dành cho những thành tích xuất sắc trong tổ chức, chỉ đạo triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động quản lý, có đóng góp quan trọng trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bảo Hoà – Sông Hàn