Ấn Độ: Phát triển thành công robot chữa sâu răng bằng nhiệt
Chúng ta đều biết việc vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong răng sẽ gây viêm nhiễm, đặc biệt là các khu vực khe, kẽ nhỏ hẹp khó tiếp cận, đặc biệt là ống ngà.
Những ống dẫn cực nhỏ này bắt đầu từ tủy răng, chĩa ra ngoài và dừng lại ngay trước men răng. Vi khuẩn có thể tích tụ trong ống dẫn, gây viêm nhiễm và đòi hỏi chữa tủy. Nhưng một số vi khuẩn có thể lẩn tránh phương pháp điều trị trên.
"Ống ngà rất nhỏ và vi khuẩn cư trú sâu bên trong mô", thành viên nhóm nghiên cứu Shanmukh Srinivas, giải thích. "Công nghệ hiện nay không đủ hiệu quả để tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn".
Điều trị tủy răng bao gồm phun thuốc diệt khuẩn vào răng, nhưng nhiều loài kháng kháng sinh có thể chịu được hóa chất xử lý và một số loài có thể lẩn trốn.
Trước đó, các nhà khoa học thu được thành công khi sử dụng laser và siêu âm, tạo ra sóng xung kích giúp làm sạch vi khuẩn tốt hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận trên vẫn còn hạn chế do chỉ có thể tiến sâu khoảng 800 micromet vào trong răng.
Do đó, các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Ấn Độ mới đây đã tạo ra một loại robot vệ sinh có kích thước nano giúp con người xử lý vi khuẩn trú ngụ trong ống ngà - nguyên nhân chính gây sâu răng.
Theo đó, cỗ máy cỡ nano này của các nhà khoa học có thể được điều khiển bằng từ trường để tiến vào ống ngà trong răng và tiêu diệt vi khuẩn bằng nhiệt,
Những robot tí hon của nhóm nghiên cứu có hình xoắn ốc, làm từ silicon dioxide với lớp phủ sắt. Thiết kế như vậy cho phép điều khiển robot bằng từ trường và tiến sâu vào 2.000 ống ngà. Tại đó, từ trường có thể được tùy chỉnh để làm robot sản sinh nhiệt và tiêu diệt vi khuẩn.
Khi đưa robot vào mẫu vật răng đã nhổ, nhóm nghiên cứu di chuyển chúng thành công để xâm nhập vào sâu trong ống ngà và tấn công vi khuẩn. Họ cũng có thể thu hồi robot, hút chúng ra khỏi mẫu vật răng sau khi hoàn thành công việc.
Như vậy, robot mới của các nhà khoa học Ấn Độ đang cung cấp giải pháp an toàn và tiềm năng để nâng cao thành công của phương pháp chữa tủy răng thông thường.
Sau khi thử nghiệm robot trên mô hình chuột và chứng minh thiết bị an toàn và hiệu quả, nhóm tác giả nghiên cứu đang tìm cách thương mại hóa công nghệ thông qua một công ty khởi nghiệp mang tên Theranautilus. Họ cũng đang phát triển một thiết bị y khoa mà các nha sĩ có thể sử dụng để triển khai và điều khiển robot trong khoang miệng khi chữa tủy răng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Healthcare Materials.
Vân Anh