Ấn Độ dỡ lệnh cấm xuất khẩu khẩu, nguy cơ giá gạo thế giới lao dốc
Tháng 9/2022, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và sau đó áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo khác vào năm 2023 sau khi lượng mưa thấp làm dấy lên lo ngại về sản lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cung ứng được cải thiện sau khi thu hoạch được vụ mùa kỷ lục, Ấn Độ đã dỡ bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm gạo ngoại trừ loại 100% tấm.
Việc nối lại xuất khẩu gạo 100% tấm của Ấn Độ sẽ cho phép các nước nghèo ở châu Phi đảm bảo nguồn cung ngũ cốc với giá thấp hơn, đồng thời hỗ trợ những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol châu Á phụ thuộc vào loại gạo này.
Theo ông Himanshu Agrawal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee, gạo 100% tấm của Ấn Độ hiện chào bán ở mức 330 USD một tấn, cao hơn so với mức 300 USD một tấn từ Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Dù giá còn chênh lệch, sự trở lại của nguồn cung từ Ấn Độ sẽ khiến thị trường điều chỉnh.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 có thể đạt kỷ lục 533,7 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn so với năm trước. Tổng nguồn cung ước đạt 712,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ dự báo đạt 530,3 triệu tấn, chủ yếu từ Ấn Độ và Philippines. Lượng dự trữ cuối kỳ ước tính khoảng 182,5 triệu tấn, với 81% thuộc về Ấn Độ và Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu dự kiến đạt 58,5 triệu tấn, nhu cầu nhập khẩu lớn từ Philippines và Indonesia có thể là cơ hội cho Việt Nam.

Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm. Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trong nước liên tục giảm từ đầu tháng 3, khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn cung rẻ nhất. Tuy nhiên, trong hai tháng qua, 80% lượng gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao, không cạnh tranh trực tiếp với gạo 100% tấm của Ấn Độ. Dù vậy, áp lực từ nguồn cung lớn của Ấn Độ vẫn có thể ảnh hưởng đến giá cả, đặc biệt ở phân khúc gạo cấp thấp. Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy Việt Nam chịu nhiều thách thức từ cạnh tranh giá của Pakistan, Myanmar, chi phí đầu vào gia tăng và rào cản nhập khẩu tại EU, Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, gạo thơm Việt Nam vẫn giữ lợi thế ở phân khúc cao cấp nhờ hội nhập kinh tế sâu rộng và chính sách hỗ trợ sản xuất bền vững. Nếu tiếp tục nâng cao chất lượng và cải tiến sản xuất, Việt Nam có thể duy trì thị phần ổn định.
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giải pháp ổn định ngành lúa gạo, bao gồm nâng cao bảo quản sau thu hoạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp trong logistics, thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp và nông dân sẽ được hỗ trợ tín dụng ưu đãi để đầu tư công nghệ, hạ tầng nông nghiệp. Về dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chế biến sâu và đầu tư logistics để hướng tới sản xuất bền vững.
TH
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
