Amazon ngăn chặn thành công hàng tỷ sản phẩm giả trong năm 2020
Theo Báo cáo bảo vệ thương hiệu được công bố mới đây của Amazon, năm 2020, công ty này đã chặn một danh sách gồm 10 tỷ mặt hàng bị nghi là hàng giả trước khi chúng được đăng bán trên trang thương mại điện tử của mình. Đồng thời, công ty còn “thu giữ và tiêu hủy” khoảng hai triệu sản phẩm giả để ngăn chặn việc bán lại số hàng này ở nơi khác.
Bên cạnh đó, công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos cũng thể hiện sự quyết tâm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, khi đã chi 700 triệu đô la để giải quyết vấn đề này chỉ trong năm 2020.
Doanh số bán hàng trực tuyến của Amazon đã bùng nổ trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong nhiều trường hợp, công ty còn giúp đối tác bán hàng tiếp tục phát triển doanh nghiệp khi vi-rút corona buộc họ phải tạm ngừng kinh doanh trực tiếp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến tình trạng một số kẻ lợi dụng sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới này cho mục đích bất chính, Amazon lưu ý trong báo cáo.
Được biết, vấn nạn buôn bán hàng giả trên Amazon đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm. Mặc dù biết rõ việc mua phải hàng giả trên các bài đăng có gắn mác chính hãng khiến khách hàng vô cùng thất vọng, nhưng các thương hiệu cũng rất ‘bất lực’ trước thực trạng này. Hiển nhiên, Amazon cũng phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực nếu bị cả khách hàng và thương hiệu ‘bỏ rơi’ vì lý do đó.
Phần lớn những sản phẩm giả mạo xuất hiện trên trang Amazon được bán bởi bên thứ ba. Măc dù hầu hết các kênh này đều đồng ý tuân thủ các quy tắc trong đó gồm chỉ cung cấp các sản phẩm chính hãng nhưng vẫn bán hàng giả, hàng nhái.
Trong 5 năm qua, để giải quyết vấn đề này Amazon đã thành lập một đội để xử lý các trường hợp vi phạm cũng như kiện những người bán bên thứ ba bán hàng giả.
Báo cáo tiết lộ gã khổng lồ mua sắm trực tuyến hiện đang sử dụng hơn 10.000 nhân viên cho nhiệm vụ bảo vệ “cửa hàng” khỏi những chiêu trò gian lận. Cụ thể, nếu xác định được người bán không tuân thủ các quy tắc, Amazon sẽ ngay lập tức đóng tài khoản của họ, giữ lại tiền và quyết định xem có báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật hay không.
Amazon cũng giới thiệu một cơ quan đăng ký giúp bảo vệ thương hiệu hiệu quả hơn. Cùng với đó, công ty đưa ra hệ thống có tên là Transparency cho phép các thương hiệu đính kèm mã xác thực vào sản phẩm để Amazon quét trước khi chuyển hàng cho người mua.
Hơn nữa, Amazon tuyên bố nỗ lực ngăn chặn hàng giả trong suốt năm 2020 của họ đã giúp phần lớn khách hàng mua sắm tìm thấy các sản phẩm chính hãng trên trang web này.
Ngoài ra, cũng theo tin tức gần đây, bên cạnh hàng giả, Amazon đang có ý định ngăn chặn các các bài đánh giá không đúng sự thật.
Ngọc Đỗ