5 giải pháp chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Văn bản nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ xử lý 42 vụ việc liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, trị giá tang vật ước tính 9,229 tỷ đồng.
Được biết, các loại hàng hóa vi phạm chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan; thuộc các nhóm hàng phụ tùng ô tô, máy móc, thiết bị công nghiệp, đồ may mặc, thuốc lá. Các vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và các Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức thủ đoạn vi phạm bao gồm việc lợi dụng việc phân luồng để qua khâu kiểm tra thực tế hàng hóa; khai sai, không khai báo trên tờ khai hàng hóa; lợi dụng thủ tục đơn giản để che dấu hành vi vận chuyển quá cảnh hàng giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở pháp luật để in ấn trên bao bì sản phẩm các cụm từ như “Technology of Japan” (công nghệ đến từ Nhật Bản), nhằm mục đích trốn tránh các cơ quan chức năng.
Tổng cục Hải quan nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, công tác kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyên sở hữu trí tuệ năm 2024 từng bước được kiểm soát, song công tác này tại một số địa phương chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT trong những tháng cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu và các cục hải quan địa phương tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung về kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trong nửa đầu năm 2024. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn tại địa bàn, trong đó tập trung vào lĩnh vực, địa bàn, loại hình xuất khâu, nhập khẩu trọng điểm như: kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu, quá cảnh, vận chuyển độc lâp... để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu; hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh theo các tuyến, địa bản, mặt hàng, đối tượng trọng điểm. Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: quần áo, giày dép túi xách... giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định, linh kiện điện tử, đồ gia dụng; phụ tùng ô tô, xe máy, gỗ và các sản phẩm gỗ... để gia công, sản xuất xuất khâu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế.
Thứ ba, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, chỉ đạo công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT tại các địa bàn trọng điểm như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM...
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, hình thành đường dây, ổ nhóm phức tạp, gây bức xúc để dư luận quan tâm.
Thứ tư, các cục hải quan địa phương chỉ đạo các chi cục, đội Kiểm soát hải quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu trong công tác tiếp nhận thông tin, trao đổi nghiệp vụ và xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời chủ trì kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực trên đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục của pháp luật, không để kéo đài hoặc đùn đây, né tránh.
Thứ năm, chấn chỉnh việc báo cáo để đảm bảo số liệu thống kê chính xác, kịp thời theo quy định; cập nhật những phương thức, thủ đoạn mới về buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm về sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác dự báo, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
Hương Mi