5 dự thảo luật pháp sẽ gây biến động thị trường ô tô Việt trong năm 2019
1. Tăng lệ phí trước bạ xe bán tải
Bộ Tài chính đã đề xuất về dự thảo tăng lệ phí trước bạ đối với dòng bán tải chở hàng dưới 1,5 tấn và 5 chỗ trở xuống. Cụ thể, lệ phí trước bạ đối xe bán tải đăng ký lần đầu tiên sẽ tăng lên bằng 60% lệ phí trước bạ của dòng xe con, nằm trong khung 10-15%. Đối với xe bán tải đăng ký từ lần 2 trở đi, mức phí sẽ giảm xuống 2%.
Trường hợp dự thảo này được Chính phủ thông qua, người tiêu dùng Việt sẽ phải đóng lệ phí trước bạ lần đầu cao gấp 3-4 lần so với hiện tại, đồng nghĩa với giá xe bán tải sẽ tăng lên. Ví dụ như với một chiếc bán tải có giá 650 triệu, người mua sẽ phải đóng lệ phí từ 39-58 triệu đồng, thay vì chỉ nộp 13 triệu đồng như hiện tại.
Với dự thảo trên, Bộ Tài chính lý giải rằng, số lượng xe bán tải gồm cả xe chở hàng và xe chở người (nhập khẩu, lắp ráp) đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là thị trường nhập khẩu. Năm 2017, loại xe này được nhập khẩu đến 28.482 chiếc, tăng 8,7 lần. Tuy nhiên, xe bán tải dưới 1,5 tấn và có 5 chỗ ngồi chở xuống được sử dụng kết hợp vừa chở hàng vừa chở người.
Vì vậy, để tạo sự công bằng về mức thu lệ phí trước bạ lần đầu và thứ hai trở đi giữa xe bán tải và ô tô con, Bộ đã đưa ra đề xuất thay đổi trên. Đồng thời, việc này cũng sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách.
2. Dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải
Trước đề xuất tăng lệ phí trước bạ, thị trường xe bán tải còn đón nhận đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ Bộ Tài chính. Theo đó, tại dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe bán tải bằng 60% xe ô tô dưới 9 chỗ, cùng dung tích xi lanh.
Được biết, loại xe này trên thị trường đang chỉ phải chịu thuế nhập khẩu trong khu vực là 5% và thuế tiêu thụ đặc biệt 15-25%. Tuy nhiên, với đề xuất trên, thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe bán tải sẽ tăng lên 30-45%.
Có vẻ như, phân khúc xe bán tải đang gặp vận rủi khi phải gánh những loại thuế phí mới nếu 2 dự thảo trên được thông qua.
Thống kê cho thấy, xe bán tải đang là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường ô tô Việt Nam. Nhưng việc tăng thuế phí cho dòng xe này sẽ kìm hãm tốc độ phát triển của thị trường xe bán tải. Khả năng khách hàng chuyển hướng sang các dòng SUV cỡ lớn là rất cao, nếu họ không đặt nặng vấn đề chở hàng, kinh doanh.
3. Đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô trên 1,5 tỷ đồng
Bộ Tài chính đang xem xét lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Luật thuế tài sản và sẽ trình lên Bộ tư pháp, Chính phủ. Theo đó, Luật thuế tài sản có đề cập đến việc đánh thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính), ông Phạm Đình Thi cho biết Luật thuế tài sản sẽ có 2 phương án đối với các loại tài sản là tàu bay, du thuyền và ô tô. Cụ thể, phương án 1 sẽ thu thuế với tài sản từ 1,5 tỷ đồng và không thu thuế các phương tiện dưới 1,5 tỷ đồng hoặc chỉ dùng để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Phương án 2 là không đánh thuế các phương tiện trên.
Về mức thuế, Bộ Tài chính cũng đề nghị 2 phương án như sau phương án 1 áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,3%, phương án 2 là 0,4%.
Trong đó, cách tính thuế với từng trường hợp như sau:
Xe ô tô mới: Giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định
Xe ô tô đã qua sử dụng: Giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế
Như vậy, những chủ xe sở hữu ô tô từ 1,5 tỷ đồng nhiều khả năng sẽ phải chịu thêm thuế tài sản từ 0,3-0,4% nếu đề xuất trên được thông qua.
4. Xe ô tô nhập khẩu từ EU giảm 0%
Ủy ban châu Âu (EC) sắp đệ trình lên hội đồng EU gồm 28 nước thành viên và Nghị viện châu Âu (EP) bản Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Việc EVFTA được EU xét duyệt sẽ làm thay đổi giá xe ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam và ngược lại. Cụ thể, Hiệp định Thương mại EVFTA sẽ làm cho thuế nhập khẩu xe ô tô từ châu Âu giảm về 0%. Lộ trình cắt giảm thuế đối với ô tô là trong 7 năm, xe tải hạng nhẹ sẽ là 10 năm tính từ ngày EVFTA có hiệu lực.
Chẳng hạn, một chiếc BMW 320i có giá bán khoảng 32.000 Euro tại châu Âu. Khi về Việt Nam, giá xe sẽ cộng thêm khoảng 25.000 Euro do phải chịu thuế nhập khẩu 78%. Song, với Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu EU sẽ được bỏ, giá xe BMW 320i sẽ giảm nhiều.
VinFast cũng sẽ được hưởng lợi nếu Hiệp định này được thông qua với mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có châu Âu.
Hiện tại, thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu về Việt Nam đang là 74% đối với xe con dung tích xy lanh trên 3.000 cc, 78% với xe con dung tích xy lanh dưới 3.000 cc và 65% với xe tải dưới 5 tấn (xe bán tải).
Ở chiều ngược lại, xe từ Việt Nam nhập khẩu vào EU đang ở mức 10% với xe con và 10-16% với xe buýt.
5. Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 quốc gia thành viên chính thức ký kết. Theo đó, dòng sản phẩm của các nước trong khối CPTPP khi vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất 0% và ngược lại, bao gồm cả xe ô tô.
Trong đó, xe ô tô từ Nhật Bản, quốc gia có số xe nhập vào Việt Nam chiếm phần lớn thị trường, đang được kỳ vọng sẽ được giảm giá mạnh khi Nhật cũng tham gia CPTPP. Ngoài Nhật Bản và Việt Nam, CPTPP còn có 9 quốc gia khác gồm Autralia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singarpore.
-
Băng vệ sinh Tampon của Kotex bị thu hồi khẩn ở Mỹ và Canada
-
Bắc Giang: Nam thanh niên suýt mất mạng vì bị tấn công bằng súng, dao bầu?
-
Qualcomm tố Apple vẫn bán iPhone vi phạm sáng chế tại Trung Quốc
Hà An