SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 18/06/2025
  • Click để copy

2025 là 'Năm quốc tế về Khoa học và công nghệ lượng tử'

10:17, 18/06/2024
(SHTT) - Mới đây, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố năm 2025 là “Năm Quốc tế về Khoa học và Công nghệ Lượng tử (IYQ).

Sáng kiến toàn cầu này nhằm tôn vinh những đóng góp của khoa học lượng tử đối với tiến bộ công nghệ trong suốt một thế kỷ qua.

Đồng thời các chương trình nằm trong khuôn khổ cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của khoa học lượng tử đối với sự phát triển bền vững trong thế kỷ 21, đảm bảo tất cả các quốc gia đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục lượng tử và các cơ hội mà lĩnh vực này đem lại.

9917-1718615820-lhh

 

Năm 2025 đánh dấu 100 năm kể từ sự phát triển ban đầu của cơ học lượng tử - lý thuyết mô tả hành vi của vật chất và năng lượng ở quy mô nguyên tử và hạ nguyên tử, đồng thời đã tạo ra nhiều công nghệ quan trọng bậc nhất thế giới. Trong thế kỷ qua, lý thuyết lượng tử đã trở thành nền tảng cho vật lý, hóa học, kỹ thuật và sinh học và đã cách mạng hóa ngành điện tử hiện đại và viễn thông toàn cầu. Những phát minh như bóng bán dẫn, tia laser, nam châm đất hiếm và đèn LED - những công nghệ đã biến Internet, máy tính, pin mặt trời, MRI và điều hướng toàn cầu (global navigation) thành hiện thực - tất cả đều nhờ cơ học lượng tử.

Trong tương lai, những bước tiến trong ứng dụng lượng tử có thể thúc đẩy đổi mới trong khoa học vật liệu, y học và an ninh mạng cùng các lĩnh vực khác. Bằng cách này, khoa học và công nghệ lượng tử sẽ góp phần giải quyết những thách thức cấp bách toàn cầu - bao gồm tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện sức khỏe con người và tạo ra các giải pháp toàn cầu hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc.

Tuyên bố của Liên hợp quốc về Năm quốc tế về Khoa học và công nghệ lượng tử thể hiện sự nỗ lực kéo dài nhiều năm của một liên minh các hiệp hội, học viện và hiệp hội khoa học quốc tế hàng đầu trên toàn thế giới. Sau khi Mexico ủng hộ đề xuất ban đầu của liên minh thông qua Đại hội đồng lần thứ 42 của UNESCO vào tháng 11 năm 2023, Ghana đã chính thức đệ trình dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 5 năm 2024 và nhận được sự đồng tài trợ từ hơn 70 quốc gia trước khi được phê duyệt vào ngày 7/6.

12-01-21-du-hoc-phan-lan-nganh-cong-nghe-luong-tu-tai-dai-hoc-aalto-4

 

Theo công bố, UNESCO sẽ giám sát IYQ với tư cách là cơ quan chủ trì của Liên Hợp Quốc, trong khi Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ sẽ điều hành chiến dịch thông qua một tập đoàn quốc tế và mời các hiệp hội khoa học, tổ chức học thuật, tổ chức từ thiện và các ngành công nghiệp đóng góp cho sáng kiến này. Các đối tác sáng lập hiện tại của liên minh bao gồm Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ; Hiệp hội Vật lý Đức (DPG); Hiệp hội Quang học Trung Quốc; Hiệp hội Quang học và Quang tử Quốc tế (SPIE).

Ông Jonathan Bagger - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ cho biết: “Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ hoan nghênh cơ hội hợp tác với các tổ chức khoa học trên khắp thế giới để truyền bá nhận thức về khoa học và công nghệ lượng tử. Với các sự kiện và chương trình được tổ chức trên toàn thế giới, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được một cộng đồng khoa học lượng tử toàn cầu sôi động và toàn diện.”

Sự ủng hộ của nhiều quốc gia dành cho IYQ cho thấy sự cần thiết phải tăng cường năng lực giáo dục, nghiên cứu và phát triển của các chính phủ - đặc biệt là các chính phủ ở các nước thu nhập thấp và trung bình - để thúc đẩy khoa học và công nghệ lượng tử vì lợi ích của nhân loại.

Trong suốt năm 2025, Ban điều hành IYQ sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động và chương trình mang tích khu vực, quốc gia và quốc tế để tôn vinh và phát triển tài nguyên học tập về khoa học lượng tử, xây dựng quan hệ đối tác khoa học nhằm mở rộng cơ hội giáo dục và nghiên cứu ở các nước đang phát triển. IYQ sẽ mang giáo dục và nghiên cứu STEM lượng tử (STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học)) đến giới trẻ ở Châu Phi và các nước đang phát triển trên khắp thế giới với hy vọng truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học kế cận.

Theo đánh giá, khoa học và công nghệ lượng tử sẽ là lĩnh vực khoa học xuyên suốt quan trọng của thế kỷ 21, có tác động to lớn đến những thách thức xã hội quan trọng được nêu bật trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Bước quan trọng nhất trong việc tìm kiếm những hiểu biết mới và giải pháp mới về lượng tử sẽ truyền cảm hứng cho những người yêu khoa học ở mọi lứa tuổi và đến từ khắp nơi trên thế giới trở thành thế hệ tiếp theo tiên phong sử dụng khoa học lượng tử để tạo ra sự khác biệt tích cực cho cuộc sống con người như thúc đẩy đổi mới công nghệ, tác động đến chính sách của chính phủ, nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến nghệ thuật, văn hoá.

Trước năm 2025, bất kỳ cá nhân, nhóm, tổ chức, cơ quan hoặc chính phủ nào cũng có thể hỗ trợ sứ mệnh của IYQ bằng cách tạo ra các sự kiện hoặc tài nguyên giúp nâng cao hiểu biết của xã hội về tầm quan trọng và tác động của khoa học và công nghệ lượng tử. Theo dự kiến các sự kiện và tài nguyên từ khắp nơi trên thế giới sẽ được giới thiệu trên website  https://quantum2025.org/en/ vào năm 2025. 

Minh Hà

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực AI thông qua hai chương trình đào tạo Google for Startups và khóa học Google AI Essentials phiên bản tiếng Việt. Đây là các sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp về AI và phổ cập kiến thức AI cho cộng đồng.
Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Trong các ngày từ 25-27/6/2025 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hanoi địa chỉ số 91 Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghệ năng lượng - Môi trường Hà Nội 2025 (Entech Hanoi 2025) sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Hy Lạp, Việt Nam đang đứng trước những tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là thông điệp chính được đưa ra trong cuộc gặp giữa Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp và Thứ trưởng phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo của Bộ Phát triển Hy Lạp.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Các chuyên gia bảo mật vừa phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đầu tiên trong hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), mang tên EchoLeak.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây giai đoạn 2025 - 2030 (Chương trình).
. ..