SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

10 sự kiện kinh tế nổi bật 2022 do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo bình chọn

09:36, 30/12/2022
(SHTT) - Năm 2022, kinh tế thế giới đứng trước những bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục tăng nên tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn. Sau đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật do Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ & Sáng Tạo bình chọn.

1. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 700 tỷ USD

Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD.

Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm, từ năm 2012 - 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỉ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại. Cột mốc 400 tỉ USD của xuất nhập khẩu hàng hóa được ghi nhận vào giữa tháng 12.2017, cột mốc 500 tỉ USD được ghi nhận vào giữa tháng 12/2019, cột mốc 600 tỉ USD được ghi nhận vào ngày 30/11/2021.

xuat khau

 

Năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Singapore.

Một điều đáng chú ý khác, cán cân thương mại của nước ta đã đảo chiều, đạt thặng dư (xuất siêu) sau thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Năm 2008 là năm ghi nhận thâm hụt lớn nhất với 18,02 tỷ USD.

Năm 2012, Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng khi cán cân thương mại đổi chiều, chuyển sang thặng dư (xuất siêu). Năm 2020, thương mại hàng hóa của nước ta đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD.

Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh và chỉ đạt 3,32 tỷ USD. Năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại, đạt hơn 11 tỷ USD.

2. Xuất hiện hiện tượng lạ khan hiếm xăng dầu

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lớn diễn ra ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Phần lớn các cửa cửa hàng thông báo bảng hết xăng. Nhiều cửa hàng chỉ cho phép xe xếp hàng dài đổ 30 ngàn, làm mất thời gian công sức của nhân dân.

Nhiều thương nhân phân phối cho biết, chiết khấu 200 - 250 đồng/lít, hoa hồng đã thấp nhưng nếu có đặt hàng cũng chỉ để giữ giá, còn giao hàng khi nào là quyền của họ. Bởi ngay chính họ cũng chưa chủ động được nguồn hàng về lúc nào. Gia đình họ kinh doanh hơn 20 năm, chưa từng thấy tình cảnh này. Đã lỗ tiền tỉ từ tháng 6 đến giờ. Nay không những lỗ mà còn không có hàng để bán. Trung bình trong 1 tuần có vài ngày hết xăng, không có hàng.

Theo đó, lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng “khan hiếm” xăng dầu hiện nay, Một số chuyên gia cho rằng, đây là chuyện “lạ” trên thị trường. Cụ thể, theo quy định điều hành giá, cấu thành giá bán lẻ đã bao gồm có chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí khác, trong có có cả phí chiết khấu cho đại lý và lợi nhuận của đầu mối ( 300 đồng/lít)….

xang

Người dân xếp hàng đổ xăng dầu 

Vì vậy, không có lý do gì mà đầu mối không chiết khấu cho đại lý bán lẻ. Nếu chiết khấu 0 đồng thì đại lý không bán là đúng, vì họ không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ, vì còn chi phí xe bồn đến lấy hàng, trả tiền lương công nhân, và các chi phí khấu hao cửa hàng…). Còn ở khâu phân phối, Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương) là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu thì phải nắm rõ các đại lý của các đầu mối.

Theo quy định, đăng ký cấp phép đầu mối là phải có tối thiểu 40 đại lý và 10 cửa hàng trực thuộc; Còn thương nhân phân phối xăng dầu thì phải có 10 đại lý và 5 cửa hàng trực thuộc. Như vậy, thương nhân đầu mối hoặc nhân phân phối xăng dầu nào mà không có hàng hoặc cấp hàng trong hệ thống của mình mà chiết khấu 0 đồng/lít thì cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định sẽ tước hoặc rút giấy phép kinh doanh xăng dầu...

Nước ta hiện có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay doanh nghiệp phân phối cũng có đến hàng trăm doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất?

Xăng dầu trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, nguồn cung thế giới thì đang tràn trề, giá lại rẻ, nên chắc chắn không có chuyện thiếu xăng dầu. Đơn giản là các DN làm ăn không có lời nên họ không nhập để bán nữa. Bản chất của vấn đề là điều hành thị trường xăng dầu. Cụ thể, nhà nước quản lý giá xăng dầu nhưng thường xuyên thay đổi giá. Mỗi tháng điều chỉnh 1 lần, mỗi lần điều chỉnh lại là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ xuất hiện nếu giá kỳ tới tăng mạnh.

Trong thực tế, đã có tình trạng người bán biết ngày mai tăng giá nên ghim hàng, chờ “ăn” lời lớn. Thông tin thì rò rỉ, cây xăng bán hạn chế. Người dân thấy “có biến” thì lại lao đi mua xăng, xếp hàng dài chờ mua xăng, tạo thêm hiệu ứng gây bất ổn thị trường. Đó là tình trạng của trước đây. Mặt khác, nguyên tắc là khi nhà nước quản lý giá thì thường dẫn đến thiếu hụt. Việc áp giá trần khiến giá loại mặt hàng được quản lý sẽ luôn thấp hơn giá thị trường, dẫn tới cầu nhiều, cung giảm, thiếu hụt sản phẩm và nhà nước phải tìm cách bù đắp vào phần thiếu đó. Vì thế, nếu chọn hướng điều hành xăng dầu dưới sự quản lý như hiện nay thì cần giảm tần suất điều chỉnh giá, một năm chỉ điều chỉnh 2 - 3 lần.

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn kiểm tra cùng các giải pháp để ngăn chặn việc “găm hàng trục lợi”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để không thiếu hụt nguồn cung xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng, cần có những tính toán, linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu.

3. Bắt nhiều chủ tịch tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… làm thị trường vốn chao đảo

Chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn như Trịnh Văn Quyết - FLC, và Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát… đều là những “gã khổng lồ” có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, có sự nhạy bén và khả năng xây dựng đế chế kinh tế ở tầm vĩ mô. 

Do đó, trên “địa hạt” rất mới như thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường tiền tệ…được các doanh nhân này chú ý và sử dụng các kỹ năng tìm kẽ hở để hoạt động kinh tế nhắm đến những “món hời”, in dấu lừa đảo rất rõ nét.

Việc bắt chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, góp phần làm sạch môi trường kinh doanh của thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có hiện tượng tăng trưởng "nóng", phát sinh rủi ro do một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, trong đó có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng như vụ Tân Hoàng Minh, FLC và Vạn Thịnh Phát…

Những tiêu cực trong vấn đề phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC và vạn Thịnh Phát là "scandal" trong thị trường chứng khoán, trái phiếu; hệ luỵ của nó gây ra mất niềm tin cho nhà đầu tư.

1

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh 

Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng khi phát hành trái phiếu thì tỉ lệ nhà đầu tư tham gia không cao do tâm lý e ngại từ các vụ việc tiêu cực vừa qua.

Do vậy, đối với thị trường chứng khoán cần có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Tài chính cần có những thông tin rành mạch, rõ ràng đối với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Từ vấn đề khó khăn thị trường vốn, kéo theo kho khăn chồng chất cho thị trường bất động sản. Tâm lý của nhà đầu tư trở nên hoang mang, tâm lý của người dân trở nên “ám ảnh” bởi quá nhiều biến động có thể khiến thị trường khủng hoảng, giá bất động sản lao dốc.

Sự khó khăn, trầm lắng của thị trường sẽ kéo dài đến hết năm 2023, bước sang năm 2024. Nhưng ở góc độ phân tích, đánh giá khác, nhiều chuyên gia cho rằng, 2023 sẽ là dấu mốc cho sự đảo chiều của thị trường bất động sản bởi nhiều nhân tố thúc đẩy thị trường phát triển.

2

 Tòa nhà văn phòng ở đường Trần Hưng Đạo – TPHCM liên quan đến vụ việc bắt chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh phát

4. Bước ngoặt của ngành sản xuất ô tô

Ngày 25/11, tại Cảng MPC Port (TP Hải Phòng), VinFast chính thức xuất cảng 999 chiếc ôtô VF 8 điện thông minh đầu tiên vào thị trường Mỹ. Sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam.

vin

 VinFast xuất khẩu xe điện - dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam. Ảnh: VinFast

Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu để phục vụ khách hàng tại Mỹ. Tiếp đó, những chiếc VinFast VF 8 sẽ tiếp tục chinh phục các thị trường tiếp theo như Canada và Châu Âu. 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, sự kiện VinFast xuất cảng lô ôtô điện sang Mỹ là sự kiện rất đặc biệt với ông vì những chiếc xe đầu tiên của VinFast sẽ được vận chuyển tới Los Angeles, California – chính là quê hương của ông.

Ông Marc Knapper cũng cảm ơn VinFast vì đã xây dựng nhà máy ở Mỹ và tạo công việc cho hàng nghìn lao động. Ông cho rằng, những chiếc xe VF 8 là món quà tuyệt vời để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

vin1

Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên dành cho thị trường quốc tế được vận chuyển trên tàu Silver Queen của Panama, một con tàu hàng hải chuyên dụng cỡ lớn dành riêng cho xe ôtô. Ảnh: VinFast  

Về chất lượng của VF 8, chuyên gia Christopher Paukert từ CNET đánh giá cao thiết kế và độ hoàn thiện ở nội thất xe. "Thiết kế VinFast VF 8 có tính nhận diện cao, khác biệt so với các mẫu xe đối thủ trên thị trường. Sức mạnh cũng là điểm cộng đáng kể của chiếc SUV điện đến từ Việt Nam", vị chuyên gia đưa thông tin trên CNET.

Nhiều trang tin chuyên ngành ôtô cũng có chung quan điểm. Tờ AutoEvolution bình luận khách hàng Mỹ quan tâm đến chính sách của các gói thuê pin xe điện VinFast. CleanTechnica coi tùy chọn thuê pin là "một trong những điểm hấp dẫn của VinFast".

VinFast đang trong quá trình xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Bắc Carolina và chờ phê duyệt quy định cuối cùng từ các quan chức địa phương.

Còn Bloomberg cho rằng, "Những chiếc xe điện VinFast sẽ mang khát vọng và niềm tự hào của Việt Nam ra thế giới. Và cũng là cột mốc quan trọng của VinGroup khi đặt ra mục tiêu xuất khẩu xe điện từ 5 năm trước".

Hiện dải xe điện của VinFast tại Việt Nam có VF e34, VF 8 và sắp tới là VF 9. Trong khi đó, trên thế giới sẽ có VF 5, VF 6, VF 7 (cùng phân khúc e34) bên cạnh VF 8 và VF 9.

Tuy nhiên, cũng cần xem phản ứng của thị trường Mỹ ra sao về sự xuất hiện của VinFast, bởi tại xứ cờ hoa thương hiệu Việt phải cạnh tranh với nhiều hãng ôtô nổi tiếng trên thế giới, có lịch sử phát triển trước nhiều năm. Nếu được chấp nhận có thể nói đây là bước tiến lớn trong sự phát triển của nền công nghiệp ôtô nước ta.

5. Tập đoàn LEGO khởi công xây dựng nhà máy 1 tỉ USD tại Việt Nam 

Đây là nhà máy thứ sáu trên toàn cầu, cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO. Dự án đầu tư này là dự án lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam, là một phần trong chiến lược mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của Tập đoàn LEGO. Điều này không chỉ cho phép LEGO mang phương pháp học tập thông qua vui chơi đến với nhiều trẻ em hơn và tạo ra sự phát triển lâu dài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn giúp LEGO nhanh chóng thích nghi và đáp ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng.Nhà máy được xây dựng trên khu đất rộng 44ha, kích thước tương đương 62 sân bóng đá. Ngoài các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái, nhà máy còn có một trang trại điện mặt trời được xây dựng trên khu đất lân cận, đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hằng năm. Nhà máy cũng sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại và được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu.

LEGO dự kiến hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2024. Nguồn lao động là các nhân công địa phương có tay nghề cao được đào tạo để vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo mỗi viên lego được sản xuất có độ chính xác bằng 1/10 độ dày của một sợi tóc. Dự kiến nhà máy sẽ tạo việc làm cho 4.000 người trong vòng 15 năm tới.

Ông Preben Elnef, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam, chia sẻ:“Chúng tôi mở nhà máy tại Việt Nam không phải xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy sự phát triển ở thị trường Việt Nam, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực Đông Nam Á.”

Giá các món hàng LEGO được xem là khá cao so với thu nhập của người Việt, và sự hiện diện của một nhà máy ở đây sẽ giúp thêm nhiều trẻ em tiếp cận được với trò chơi này.

Sáng 5/12, tại Thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các Tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, LG cho biết tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như thiết bị ô tô và thiết bị cho điện thoại di động, thúc đẩy liên kết đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm phần mềm.

LG đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995. Đến nay, LG đã đầu tư 5,3 tỉ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. LG có 27.000 cán bộ, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam và trong tương lai, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD.

Theo chân LG, Samsung, Heineken, Foxconn, ... cùng nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang tiếp tục đầu tư cũng như gia tăng mức vốn vào VN cho thấy hoạt động kinh doanh của họ đã đạt hiệu quả.

6. Bưởi, chanh, sầu riêng, khoai lang… ra thế giới.

Năm 2022 là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận các thị trường thế giới. Ngày 28-11, những lô bưởi đầu tiên từ Bến Tre bắt đầu lên đường sang Mỹ. Như vậy, đến nay bưởi là loại trái cây thứ bảy của VN được phép nhập khẩu vào Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa..

Nhưng đây không phải là niềm vui duy nhất và đầu tiên của ngành hàng trái cây VN trong năm nay. Đầu tiên phải kể đến trái chanh dây được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (TQ) từ ngày 1-7. Sau đó, sầu riêng và chuối của VN tiếp tục được phép nhập khẩu chính ngạch vào TQ thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Và mới đây, VN và TQ tiếp tục ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của VN nhập khẩu vào TQ.

555999sauriengxk-2991

 

Không chỉ thị trường TQ, trái chanh và bưởi của VN cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được hai bên ký kết vào ngày 15-11. Gần nhất, ngày 18-11, phía Nhật Bản cũng đã công bố cho phép quả nhãn tươi của VN được phép nhập khẩu vào thị trường khó tính này.

Sau khi có thêm thị trường mới, giá một số loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng đã tăng cao hơn so với trước, người dân và doanh nghiệp đều rất vui. Đáng chú ý, người tiêu dùng TQ rất thích sầu riêng VN, dù giá bán cao hơn hàng Thái Lan nhưng vẫn được người dân mua hết sạch, không đủ hàng để bán.

Tuy nhiên với sầu riêng, chúng ta mới được phía TQ cấp 51 mã vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói. Số lượng mã được cấp còn ít nên lượng hàng xuất sang chưa nhiều. Trong khi đó với Thái Lan, riêng mã cơ sở đóng gói đã được phía TQ cấp gần 600 mã.

7. Thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng cơ chế đặc thù

Tại phiên họp sáng 15/11, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Nghị quyết).

Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt…nhằm thực hiện chủ trương, định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm.

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm.

buon ma thuot

Một dự án sản xuất cà phê xuất khẩu trong Cụm công nghiệp Tân An 1

TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên trong cả nước được Quốc hội trao cơ chế, chính sách đặc thù. Thành phố có vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng ở khu vực Tây Nguyên, do đó, những chính sách sẽ góp phần kết nối, tạo động lực cho phát triển đối với các địa phương khác trong vùng.

Dự án đầu tư cà phê tại TP Buôn Ma Thuột được ưu đãi thuế tới 30 năm, tỉnh Đăk Lăk được vay tối đa 40% qua phát hành trái phiếu, từ năm 2023. Với cơ chế này, nguồn lực tài chính sẽ tiếp tục được đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó cải tạo các con suối trên địa bàn thành phố, tạo cảnh quan đặc thù cho thành phố xanh, sinh thái và mang bản sắc riêng. Đồng thời, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã đang xây dựng nông thôn mới, các buôn dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thông qua cơ chế đặc thù sẽ thu hút được các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Cùng với đó, TP. Buôn Ma Thuột cũng sẽ quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại thành phố, tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đề án đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Đây là những nhân tố sẽ góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc.

Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất vùng Tây Nguyên, rộng hơn 377 km2. Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.

Trước TP Buôn Ma Thuột, 9 tỉnh, thành phố lớn đã áp dụng thí điểm đặc thù, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hoà.

8. ĐBSCL Lấy lại đà tăng trưởng dương

Năm 2022, khu vực ĐBSCL đã lấy lại đà tăng trưởng (2,3%). Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL, vì khu vực công nghiệp và dịch vụ - chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng kém, ước tính lần lượt là – 0,8% và – 1,8%.

Điều đáng lưu ý là năng lực cạnh tranh nông nghiệp của ĐBSCL không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng như những biện pháp cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất, mà còn đến từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Điều đặc biệt thú vị ở ĐBSCL là khác với mô thức chuyển đổi cơ cấu phổ biến. Giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tất nhiên, việc hiện thực hóa tiềm năng này tùy thuộc vào chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn.

Được biết, đây là vùng duy nhất có tốc độ tăng trưởng âm trong năm 2021. Tính tới năm 2019, lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng gấp rưỡi dịch vụ, gấp 3 lần nông nghiệp, nhưng sau đó tụt hẳn. 

Cơ cấu kinh tế ĐBSCL không thay đổi gì trong 3 năm qua ở 3 lĩnh vực này cho thấy dịch COVID-19 đã chặn đứng cơ cấu kinh tế của vùng.

ĐBSCL là vùng duy nhất cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động trong tất cả các năm thuộc giai đoạn 2017-2022. Chênh lệch lớn về mức sống và cơ hội việc làm 2 vùng Đông và Tây Nam bộ vẫn còn tồn tại thì làn sóng di cư ở ĐBSCL vẫn tiếp diễn. Tình trạng di cư kéo dài thời gian qua phần lớn là do thiếu việc làm, mà việc làm xuất phát từ phát triển doanh nghiệp và các dự án đầu tư cũng như quá trình đô thị hóa.

Vấn đề then chốt là cần đầu tư lớn cho phát triển giao thông của vùng. TP Cần Thơ và các địa phương cần tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, hạn chế lao động dịch chuyển khỏi ĐBSCL

Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực ĐBSCL. Nơi đây đang triển khai những dự án quan trọng, đặc biệt là việc hình thành cảng biển Trần Đề ở Sóc Trăng.Cảng Trần Đề đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đây là cảng trung chuyển hàng hóa, mở rộng không gian phát triển các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL.

Bộ Chính trị đã thống nhất đầu tư cho ĐBSCL khoảng 150.000 tỉ đồng, trong đó có 1 tuyến cao tốc đặc biệt quan trọng: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề) và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là hai trục đường quan trọng nhất của vùng ĐBSCL.

Bộ Chính trị cũng đã có kết luận đầu tư công 100% để làm sao đến năm 2025 sẽ hình thành hai tuyến cao tốc trọng điểm nói trên.

Như vậy, trong 4 - 5 năm tới, hệ thống cao tốc là điểm khác biệt cho khu vực ĐBSCL. Đặc biệt của Sóc Trăng, điểm cuối tuyến cao tốc trục ngang hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề. Khi đó, toàn bộ hạ tầng giao thông đường bộ rất thuận lợi.

Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng đã bố trí ngân sách 8.000 tỉ đồng để đầu tư cầu Đại Ngãi, cây cầu lớn nhất ĐBSCL và là cây cầu cuối cùng nằm trên quốc lộ 60 (ven phía đông) kết nối Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và TP.HCM. Hiện nay đi từ Cần Thơ đến Sóc Trăng đang được triển khai nhiều dự án. Chính phủ đã bố trí 1.200 tỉ đồng để trong vòng 1 - 2 năm nữa từ Cần Thơ lên TP Sóc Trăng sẽ nâng cấp quốc lộ 1 lên 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Với hạ tầng giao thông đường bộ như vậy, có thể khẳng định rằng, ĐBSCL sẽ có bước đột phá rất lớn.

9. Khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 như Nghị quyết của Chính phủ để giải ngân được nguồn vốn,  phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 theo yêu cầu của Quốc hội.Mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông... Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm nguồn vốn đầu tư công Trung ương và địa phương, tăng thu tiết kiệm chi... Tổng nguồn vốn bố trí giai đoạn này đạt khoảng 470 nghìn tỷ đồng, gấp gần 03 lần so với giai đoạn 2016-2020. Khối lượng công việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tương ứng cũng lớn gấp 3 lần so với các giai đoạn trước.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, trong đó có đầu tư các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

10. Năm của đề xuất xây dựng sân bay

UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung cảng hàng không (CHK) Yên Bái vào quy hoạch để có thể đón 1 triệu hành khách/năm, thay vì chỉ phục vụ mục đích quân sự như trước đây...

Tỉnh Yên Bái nằm ở trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh lên cửa khẩu Lào Cai.

Cùng với Yên Bái, 9 tỉnh khác cũng đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới: Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Tây Ninh. Vì vậy, Cục Hàng không lập đoàn công tác làm việc với 10 địa phương có kiến nghị đưa sân bay tại tỉnh mình vào quy hoạch CHK, sân bay toàn quốc. Trong khi 4 quy hoạch đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt đã được phê duyệt, thì tới nay quy hoạch quan trọng về hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được Bộ GTVT hoàn chỉnh. Do vậy, chỉ trong tháng 9/2022, 3 địa phương là Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum đã có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch CHK thêm các sân bay Na Hang, Mộc Châu, Măng Đen.

Đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung CHK Mộc Châu vào Quy hoạch tổng thể CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. 

san bay

Nhiều sân bay nhỏ được quy hoạch thành loại lớn 4C rất lãng phí vì không phù hợp và vượt quá nhu cầu sản lượng hàng không của các sân bay đó. 

Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) cho biết, trong số 21 sân bay do ACV quản lý và khai thác (không kể sân bay Vân Đồn), có 15 sân bay hoạt động có lãi, còn lại 6 sân bay thua lỗ triền miên. Việc tính toán tài chính của ACV chỉ tính cho phần dân dụng mà chưa tính chi phí đầu tư, sửa chữa khu bay. Còn nếu tính chung hoạt động tài chính của toàn sân bay, thỉ chỉ 4 sân bay đông khách nhất là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh mới có lãi, 17 sân bay còn lại của ACV và sân bay Vân Đồn vẫn chìm trong thua lỗ.

Trong đó, cùng với sân bay Vân Đồn, tất cả 7 sân bay có sản lượng nhỏ nhất năm 2019 - 2022 đều bị lỗ, đó là Đồng Hới, Côn Đảo, Tuy Hòa, Vân Đồn, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá.

Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng nhu cầu sản lượng khi lập quy hoạch sân bay, bởi nếu làm quy hoạch sai sẽ gây lãng phí rất lớn.

Cùng với đó, hiện phần lớn sân bay nội địa hoạt động dưới năng lực thiết kế. Năm 2019, nhiều sân bay đạt dưới 50% năng suất thiết kế như Vân Đồn (10%), Rạch Giá (11%), Cà Mau (12%), Điện Biên (19%), Chu Lai (19%), Đồng Hới (27%), Cát Bi (33%), Phú Bài (39%), Cần Thơ (45%), Buôn Ma Thuột (50%), Liên Khương (50%). Đến hết năm 2022 tình hình cũng khjo6ng mấy khả quan hơn năm 2019.

Chỉ có 4 sân bay quốc tế lớn quá tải, đó là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Các sân bay của Việt Nam, theo thời gian, có khuynh hướng tăng kích thước đường cất, hạ cánh và tăng kích thước máy bay lớn nhất có thể sử dụng sân bay, nên theo phân loại sân bay của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), nhiều sân bay nhỏ trở thành loại lớn 4C rất lãng phí vì không phù hợp và vượt quá nhu cầu sản lượng hàng không của các sân bay đó.

Điều đáng nói, tại Việt Nam, trong khi các sân bay lớn cần một nguồn vốn rất lớn để triển khai lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thời gian hoàn vốn lâu, kéo dài 40-50 năm gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư… thì phát triển một sân bay nhỏ đáp ứng nhu cầu sản lượng 300.000 hành khách/năm với diện tích dưới 50 ha và vốn đầu tư chỉ cần 500-800 tỷ đồng, với đường cất hạ cánh 1.200m, đáp ứng nhu cầu khai thác máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống, là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, để tránh lãng phí, sân bay cần được phân loại theo nhu cầu sản lượng của vùng địa lý và dân cư mà sân bay đó phục vụ. Với diện tích, vốn đầu tư không quá lớn, các địa phương có thể xây dựng sân bay nhỏ, vừa phù hợp với địa hình lại đón đầu nhiều xu hướng mới của hàng không thế giới và sẽ chấm dứt tình trạng hoạt động dưới công suất và thua lỗ triền miên.   

Các địa phương mong muốn có sân bay để tạo đà bứt phá trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh là chính đáng. Tuy nhiên, việc xây dựng sân bay mới cần được tính toán dựa trên nhu cầu thực sự với quy mô phù hợp với hệ thống sân bay toàn quốc, phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư xây dựng sân bay, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa địa phương với nhà đầu tư và hành khách hàng không.

Anh Huy

Tin khác

Kinh tế 12 giờ trước
(SHTT) - Theo phân tích của Financial Times, xe điện của Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm khoảng 1/4 tổng doanh số bán xe điện trên thị trường châu Âu trong năm nay, khi các thương hiệu của quốc gia này đang mở rộng dấu ấn của họ trong khu vực.
Kinh tế 12 giờ trước
(SHTT) - Trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là bộ đôi chìa khóa công nghệ trọng yếu có thể mở ra cánh cửa tương lai cho nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Xiaomi ra mắt Civi 4 Pro là điện thoại đầu tiên trang bị chipset Snapdragon 8s Gen 3 và camera mang nhãn hiệu Leica. Đây là một bản nâng cấp vượt bậc so với những mẫu điện thoại tầm trung mà hãng đã ra mắt trước đó.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đã gửi thông báo về việc tăng cường kiểm tra ớt nhập khẩu về an toàn thực phẩm...
Liên kết hữu ích